Liên kết và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt Nam

authorHuy Hùng 05:50 28/04/2017

(VietQ.vn) - Chiều ngày 27/4, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm về tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”.

Buổi Toạ đàm có sự tham dự của Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Lê Bá Trình; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện UB MTTQ thành phố Hà Nội, Điện Biên, TP. HCM.

Tọa đàm về tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, yếu tố nền tảng quan trọng nhất của quá trình không ngừng gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng chính là phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của mỗi người lao động Việt Nam và liên kết sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam thành sức mạnh sáng tạo của toàn dân tộc.

Vì vậy, phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là đòi hỏi có tính quy luật, xuyên suốt để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua của các ngành, các giới, các địa phương và liên kết các phong trào thi đua này thành phong trào thi đua sáng tạo của cả nước nhằm vào 4 mục tiêu: nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Việc phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào với những tên gọi khác nhau, làm dấy lên phong trào thi đua, sáng tạo góp phần nâng cao năng suất lao động của các cấp, ngành, doanh nghiệp, những phong trào này mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa tạo thành phong trào rộng lớn. 

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, để tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” thành một phong trào rộng lớn, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập ban biên soạn có mời đại diện các bộ, ngành, các tổ chức thành viên Mặt trận cùng tham gia. Dự kiến phong trào sẽ được phát động ngày 18/5/2017, ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam, lập thành tích chào mừng 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để phong trào có hiệu quả, tạo nên sự thống nhất của các tổ chức chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn được lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học trên lĩnh vực xã hội, các chuyên gia trong công tác Mặt trận, đoàn thể.

Tại Tọa đàm, các đại biểu khẳng định, phát huy truyền thống sáng tạo qua hàng ngàn năm lịch sử của Dân tộc Việt Nam; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, các phong trào thi đua được các cấp, các ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng để động viên và huy động mọi nguồn lực xã hội thi đua hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị của đất nước và kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết trong thực tiễn.

Các ngành, các giới, các lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động. Qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có hàng vạn công trình được hoàn thành; hàng vạn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Thông qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp, những điển hình tiên tiến được Nhà nước và các cấp, các ngành, đoàn thể ghi nhận, khen thưởng.

Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Ngọc Hiên cho rằng, người Việt Nam có tiềm năng trí tuệ lớn nhưng trong đó một bộ phận xã hội tiềm năng này chưa được khai thác hết, chưa thực sự đón đầu thực tiễn nên việc ra đời một phong trào như thế này là việc làm cần thiết để các nhà khoa học được sáng tạo và yên tâm làm việc. Ngoài ra, chất lượng tổ chức cán bộ hiện nay cần được nâng cao, lựa chọn những cá nhân phải thực sự có năng lực đồng thời cần phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động để phong trào không rơi vào hư vô. 

“Để phong trào đạt hiệu quả thì phải nhận rõ đặc điểm thực tiễn hiện nay có nhu cầu gì, không làm chung chung vì kinh nghiệm, sự sáng tạo chỉ có kết quả khi nhằm đúng vào nhu cầu của thực tiễn, nhất là khi ở nước ta nền kinh tế thị trường đang ở giai đoạn thấp, vậy làm thế nào để tranh thủ cơ hội vượt qua thách thức là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Kinh nghiệm từ các nước đã thành công như Singapore, Hàn Quốc, Israel cho thấy bắt đầu phải từ tầm nhìn và phương pháp của những người lãnh đạo thì các phong trào thi đua mới được phát huy” - Ông Hiên chia sẻ.

Nhìn nhận ở góc độ khác, GS. Nguyễn Lân Dũng lại cho rằng, chúng ta cần đánh giá thực trạng xã hội để đẩy mạnh phong trào thi đua.

“Khi phát động phong trào phải thực hiện đến nơi đến chốn đúng như Bác Hồ đã nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có sự khen thưởng thích đáng, có sự đánh giá cụ thể đối với những cá nhân có sự sáng tạo; phải lắng nghe ý kiến góp ý thẳng thắn của bà con kiều bào đồng thời phải xây dựng được một thế hệ trẻ lành mạnh, những người trực tiếp đóng góp vào thành công của cuộc thi đua này” - GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Theo GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để người dân tham gia các hoạt động sáng tạo, đầu tiên phải có sự động viên về vật chất, phải có những giải thưởng xứng đáng. Nhưng yếu tố vô cùng quan trọng đó là những động lực về tinh thần.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho biết, để thực hiện các phong trào thi đua, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các bộ ngành Trung ương và địa phương sẽ bằng những hoạt động cụ thể để hưởng ứng phong trào này. Lấy ví dụ từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” rất thiết thực, đã đi vào lòng người, được người dân hưởng ứng tích cực.

“Từ chủ trương chung, người đứng đầu các ngành như Mặt trận và các tổ chức đoàn thể có quyền phát động các phong trào thuộc đối tượng quản lý của mình. Tuy nhiên, khi phát động cũng cần bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm để phong trào thật dễ hiểu, dễ nhớ đồng thời phải có giai đoạn, thời gian hoạt động cụ thể góp phần thực hiện tốt phong trào. Đồng thời, phong trào của MTTQ Việt Nam nên kết hợp với các phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể vì MTTQ chính là nơi kết nối các phong trào thi đua này” - Bà Hà nhấn mạnh.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang