(VietQ.vn) - Chia sẻ về giải pháp phát triển báo chí trong bối cảnh mới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, báo chí cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng công nghệ để truyền tải có hiệu quả các thông tin mang tính thời sự, nhất là thông tin về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

 
 

Thưa Phó Tổng cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với việc thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời gian qua?

Thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và các cơ quan có liên quan.

Báo chí là kênh thông tin hiệu quả tuyên truyền chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội nói chung và các cơ chế, chính sách liên quan tới lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng. Đồng thời, báo chí là cầu nối giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đóng góp ý kiến, nghiên cứu giải pháp, đề xuất quy định, cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Đối với Tổng cục TCĐLCL, thời gian qua, Tổng cục cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực thuộc quản lý của Tổng cục đến cộng đồng xã hội, đặc biệt là những thông tin về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua.

Vậy, hoạt động truyền thông về lĩnh vực TCĐLCL thời gian qua đã được triển khai như thế nào, kết quả ra sao, thưa ông?

Xét một cách tổng thể, thời gian qua, hoạt động truyền thông về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có nhiều bước tiến mới đáng ghi nhận. Thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông, những vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn đo lường chất lượng được truyền tải một cách rộng rãi đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Điển hình như các hoạt động năng suất chất lượng, các tiêu chuẩn mới, quy chuẩn Việt Nam mới được hàng trăm cơ quan thông tấn báo chí theo dõi, đưa tin…

Những thông tin, ý kiến đóng góp, phản biện từ báo chí cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình hình thực tế. Từ đó có thể giúp ích cho công tác xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách, những quy định phù hợp hơn với thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như cộng đồng xã hội.

 

Riêng tại Tổng cục TCĐLCL, thời gian qua, Lãnh đạo Tổng cục cũng đã dành sự quan tâm sát sao đến hoạt động truyền thông cho lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cung cấp các thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí và bạn đọc quan tâm. Hiện nay, Tạp chí Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn (cơ quan ngôn luận của Tổng cục) là đơn vị điển hình trong công tác tuyên tuyền về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thời gian qua, Tạp chí cũng đã tích cực tuyên truyền về việc đề xuất, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Tổng cục TCĐLCL. Thông tin về lĩnh vực TCĐLCL được cập nhật thường xuyên phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Tin bài về các cơ chế, chính sách của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá sự phù hợp, hoạt động năng suất chất lượng được cập nhật thường xuyên với số lượng, chất lượng ở mức cao. Bằng việc liên tục đổi mới nội dung, hình thức, các tin bài về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đón nhận.

 
 

TCĐLCL là lĩnh vực đặc thù và thường được cho là “khô khan”, vậy theo ông người làm báo chuyên sâu về lĩnh vực này cần hội tụ những năng lực gì?

Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thường bị phản ánh là “khô khan” với các phóng viên, nhà báo. Tôi cũng hết sức chia sẻ với các phòng viên, nhà báo về điều này.

Tuy nhiên, thông tin “khô khan” cũng nhiều lúc là các thông tin rất được mong đợi bởi cộng đồng doanh nghiệp và những người quan tâm. Đơn cử, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, tổ chức mong muốn được biết những thông tin như: Tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang y tế để phòng chống dịch; Muốn xuất khẩu các mặt hàng như khẩu trang, găng tay y tế, đồ bảo hộ cá nhân sang các nước châu Âu cần đáp ứng yêu cầu nào; Việc thử nghiệm, đo lường tính năng của máy thở cần những gì?...

Có thể nói, quan trọng nhất là xác định thông tin mà tổ chức, doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý đang quan tâm về sản phẩm hàng hóa dịch vụ, để từ đó giải đáp những thắc mắc của họ. Các phóng viên, nhà báo có thể tìm hiểu thông tin từ các cơ quan quản lý, các bên liên quan để giải đáp vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm thông qua ngôn ngữ báo chí để đưa thông tin phù hợp nhất đến bạn đọc.

 
 

Trong bối cảnh số hóa hiện nay, theo ông, lĩnh vực báo chí nói chung và báo chí về tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng cần làm gì để bắt kịp xu thế thời đại, tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn?

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam. Đứng trước làn sóng đó, tôi cho rằng, cần thúc đẩy nghiên cứu, triển khai các giải pháp đổi mới hình thức, cách thức thể hiện tác phẩm báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin cùng các giải pháp công nghệ mới vào việc thể hiện nội dung báo chí. Mục tiêu là hướng tới việc thu hút đông đảo độc giả, giúp cho độc giả tiếp cận nhanh hơn, chính xác hơn, dễ dàng hơn với các tác phẩm báo chí viết về những đề tài mang tính thời sự, nhất là trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Một thực tế cần nhìn nhận, mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và truyền tải thông tin đáng kể trong xã hội. Các cơ quan báo chí nên tận dụng tối đa mạng xã hội để truyền tải thông tin, đặc biệt là về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đúng tôn chỉ mục đích của mình, bên cạnh đó cũng nên tuyên truyền phản bác lại thông tin xấu trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Tạp chí Chất lượng Việt Nam nên tiếp tục duy trì thế mạnh là cơ quan ngôn luận của Tổng cục cung cấp thông tin mới nhất, chính xác nhất, hay nhất về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến với bạn đọc với ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu. Ngoài ra, Tạp chí cần có thêm những “đặc sản” riêng, có thể phối hợp với đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, trên cơ sở đó xây dựng các tuyến bài điều tra chuyên sâu cảnh báo người tiêu dùng và xã hội về sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn lưu thông trên thị trường…

Một điều quan trọng cần tính đến là tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà báo, phóng viên có chuyên môn sâu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có khả năng kết nối, lan tỏa thông tin, đóng góp ý kiến đề xuất, phản biện, hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đưa hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tới gần hơn nữa với bạn đọc và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Báo chí hiện đại trong kỷ nguyên 4.0(VietQ.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí - truyền thông, đặc biệt là sự thay đổi quy trình làm báo trong kỷ nguyên số như: nguyên tắc lọc bình luận và quản lý fanpage; sử dụng mạng xã hội để phát triển nội dung; tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin; quản trị rủi ro trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội... Vậy, trong kỷ nguyên 4.0, báo chí cần phải thay đổi gì? Bài viết đi tìm một phần lời giải của “bài toán” khó.

Nội dung: Hán Hiên – Hồng Vân

Thiết kế: Nguyễn Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang