Liệu EVN có trả hết 3.000 tỷ đồng cho PVN vào cuối năm nay?

author 11:48 10/09/2015

(VietQ.vn) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải trả hết khoản nợ gốc 3.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam vào cuối năm 2015.

Bộ Công thương mới đây đã trình văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ về  tình hình thực hiện Kết luận thanh tra số 2181/2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Công văn nêu rõ, Bộ Công thương đã có hướng dẫn thực hiện việc xử lý công nợ tiền điện giữa EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó, tổng số khoản nợ tiền điện của EVN với PVN đến ngày 31/12/2011 là 9.650 tỷ đồng, EVN thực hiện thanh toán cho PVN số tiền là 2.650 tỷ đồng trước ngày 31/12/2013; số tiền điện còn nợ lại 7.000 tỷ đồng của EVN được chuyển thành khoản nợ vay dài hạn đối với PVN. 

“Lãi tiền vay phát sinh của số tiền nợ 7.000 tỷ đồng kể từ khi EVN ký nhận nợ vay dài hạn với PVN, EVN được phép hạch toán vào giá thành điện hàng năm theo kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng đã ký. Không tính lãi đối với khoản nợ 9.650 tỷ đồng của EVN với PVN kể từ khi phát sinh đến thời điểm hai bên ký hợp đồng vay nợ”- Bộ Công thương cho biết.

Tháng 12/2013 EVN đã ký hợp đồng vay với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Theo đó việc thanh toán nợ vay cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đến nay đã được EVN thực hiện như sau: Tổng số tiền vay là 7.000 tỷ đồng; số nợ gốc vay đã trả là 4.000 tỷ đồng; số nợ gốc vay còn phải trả là 3.000 tỷ đồng. “Số nợ gốc còn phải trả 3.000 tỷ đồng dự kiến đến cuối năm 2015 EVN sẽ trả hết cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam”- Bộ Công thương khẳng định.

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến giá điện

Giá điện

Nếu phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện sẽ tác động không nhỏ tới đời sống và sản xuất

Trong một diễn biến khác, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp thuộc ngành điện có những hợp đồng vay ngoại tệ mua vật tư, nguyên liệu thì đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV), riêng khâu sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã khiến TKV lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. Tương tự, vị đại diện của EVN và PVN cũng cho hay, mức lỗ của hai đơn vị này do thay đổi, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, EVN và TKV đã có đề nghị phân bổ những khoản lỗ tỷ giá trên vào chi phí giá điện, liệu Bộ Công Thương có đồng ý? Trả lời về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc cho hay, với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thì doanh nghiệp (DN) có hợp đồng vay vốn ngoại tệ để đầu tư, nguyên vật liệu đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có EVN và TKV tính toán ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá. Khi các đơn vị có báo cáo Cục sẽ cân đối xem khả năng chịu đựng của DN ảnh hưởng tới chi phí bán lẻ như thế nào, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể với lãnh đạo.

"Nếu có chênh lệch tỷ giá lớn sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về hướng giải quyết chênh lệch tỷ giá này như thế nào. Việc này sẽ ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh và người dân", ông Đinh Thế Phúc nói.

Theo quy định của Luật Điện lực, Biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định. Sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo, Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL) đã yêu cầu EVN tính toán các phương án biểu giá bán lẻ điện. EVN đã có phương án báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 8. Lãnh đạo Bộ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu EVN trong tháng 9 tổ chức hội thảo ở cả 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, sau đó tổng hợp hoàn thiện đề án. Trong tháng 10 sẽ tập hợp hoàn thiện báo cáo các phương án trình Bộ Công Thương, Cục ĐTĐL có trách nhiệm thẩm tra, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét và báo cáo Chính phủ.

Đối với các mặt hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng điện), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương luôn quan tâm và cân nhắc rất kỹ bất cứ điều chỉnh nào liên quan đến giá, vì sự điều chỉnh dù là nhỏ nhất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: "Các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ xem xét kỹ lưỡng, quyết định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Còn ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... nghiên cứu, đề ra giải pháp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang