Lifepro Việt Nam nợ nghìn tỷ

author 15:35 15/08/2013

Toàn bộ lãnh đạo của Lifepro Việt Nam "lặn mất tăm" khiến cơ quan quản lý và ngân hàng đứng ngồi không yên.

 Hơn 3.560 tỷ đồng nợ vay, nợ thuế, chưa kể các công nợ khác…của liên doanh này chưa biết khi nào mới xử lý được.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có khoảng 518 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã bỏ trốn hoặc không liên lạc được. Trong số này, Công ty Lifepro Việt Nam gây tai tiếng nhất, khi toàn bộ lãnh đạo công ty bỗng dưng "biến mất" vào hồi tháng 8 năm ngoái, bỏ lại tất cả nhà xưởng, dây chuyền máy móc vừa hoàn thành.

 Khoản vay bí ẩn?

Khoản nợ 3.099 tỷ đồng đã được rót vào Nhà máy Luxfashion (Ninh Bình) một cách khó hiểu

 

Hậu quả là Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank - đơn vị cho Lifepro Việt Nam vay nợ hơn 3.099 tỷ đồng, sau đó đã bị khởi tố, bắt giam vì sai phạm liên quan đến khoản vay này.

 Những điều bí ẩn xung quanh khoản vay 3.099 tỷ đồng mà Ngân hàng Agribank đã cho Công ty Lifepro Việt Nam vay để đầu tư nhà máy dệt may xuất khẩu Luxfashion tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình) hiện vẫn chưa được tiết lộ. Nhất là quá trình thẩm định cho vay, định giá tài sản bảo đảm, thực hiện giải ngân số vốn vài nghìn tỷ đồng.

 Theo báo cáo của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, tháng 4/2012, Ngân hàng Agribank đã phê duyệt khoản vay 150 triệu USD của Công ty Lifepro Việt Nam để đầu tư dự án Luxfashion (gồm cả phần nhận nợ của chủ đầu tư trước là 41,35 triệu USD). Hai bên đã làm thủ tục, ký các giấy tờ liên quan (hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, biên bản định giá…). Và ngân hàng nhận thế chấp nhiều tài sản của DN, chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay (nhà xưởng, dây chuyền, máy móc, quyền sử dụng đất, nguyên phụ liệu, quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang…)

 

Tuy nhiên, theo các tài liệu hiện có, vào tháng 2/2012, dư nợ vay của Công ty Lifepro Việt Nam tại Agribank đã lên tới gần 3.100 tỷ đồng. Trong đó, chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, chi nhánh Ninh Bình cấp tín dụng cho DN. Điều này đặt ra nghi vấn giao dịch vay mượn giữa hai bên đã hình thành từ trước thời điểm hội sở ngân hàng phê duyệt khoản vay và hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định(!?).

Vì theo quy định cho vay, với khoản vay vượt hạn mức, chi nhánh sẽ phải trình cấp hội sở ngân hàng phê duyệt. Tiền cũng chỉ được giải ngân khi đã hoàn thành các thủ tục thế chấp, vay nợ. Vậy Agribank đã giải ngân cho DN vay hàng nghìn tỷ đồng dựa trên cơ sở nào? Và ai đã đồng ý cho giải ngân khi mà ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng giám đốc Agribank, bị can của vụ án hình sự, đã không điều hành ngân hàng từ năm 2011.

Trong khi đó, 2 cổ đông lớn của công ty là ông Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) nắm 30% vốn, Công ty Hong Kong Golden Principal Investment nắm 63% vốn cùng những người đại diện theo pháp luật đã "biến mất", không thể liên lạc được. Do đó, đường đi của khoản vay 150 triệu USD như thế nào, đến giờ vẫn là một bí ẩn!

Đến đầu năm 2013, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Lifepro Việt Nam, thì dư nợ vay của DN đã lên tới hơn 3.125 tỷ đồng. Số nợ này cùng các tài sản bảo đảm hiện vẫn chưa xử lý được vì vắng mặt chủ DN.

Khó đòi nợ thuế hơn 460 tỷ đồng

Không chỉ ngân hàng bế tắc, mà cơ quan hải quan cũng khó xử với khoản nợ thuế của Công ty Lifepro Việt Nam.

Tháng 4/2012, đoàn thanh tra của Tổng cục Hải quan đã phát hiện và truy thu công ty này tổng số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền phạt chậm nộp hơn 479,5 tỷ đồng. Đây là khoản tiền thuế mà DN phải nộp khi nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất để xuất khẩu, không khai báo thuế. Phía DN đã thực hiện nộp được một phần, vẫn còn thiếu hơn 460,79 tỷ đồng.

Tháng 10/2012, Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội) đã có thông báo thu số nợ thuế này. Nhưng sau đó chưa thực hiện được vì phát sinh nhiều vướng mắc. Nhất là vướng mắc về thời điểm tính phạt chậm nộp thuế đối với nguyên liệu sản xuất xuất khẩu mà DN xuất khẩu và không kê khai nộp thuế GTGT. Chi cục hải quan Hà Tây đã mời DN đến yêu cầu nộp thuế, nhưng người đại diện Công ty Lifepro Việt Nam không đến, cũng không thực hiện trả nợ. Do DN không có người đại diện hợp pháp đến làm việc, nên cơ quan hải quan cũng không thể lập biên bản vi phạm hành chính.

Gần 1 năm qua, nhà máy Luxfashion vẫn đóng cửa im ỉm, ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng hình thành từ tiền vay ngân hàng nằm phơi sương gió, còn số nợ vẫn sinh lãi từng ngày. Một số đối tác đã đến khảo sát nhà máy để mua lại, nhưng đều lắc đầu bỏ đi vì chê giá trị đầu tư của DN quá lớn. Hơn nữa, khối tài sản này đã được thế chấp cho Agribank, lại liên quan đến vụ án hình sự, nên chưa thể thanh lý, chuyển nhượng cho người khác.

Vắng chủ DN, cơ quan quản lý cũng vấp phải hàng loạt khó khăn, như: không thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, xử lý thu hồi nợ, giải quyết chế độ cho người lao động mất việc… Không thể tìm được tung tích cũng như truy trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài, đây thực sự là bài học đắt giá khi thu hút đầu tư, cho vay vốn đối với DN FDI như Lifepro Việt Nam.

Theo Thời báo kinh doanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang