Lộ độc chiêu... bơm tiết lợn vào cá thu lừa người mua

author 19:32 26/06/2017

(VietQ.vn) - Theo một người buôn hải sản với thâm niên 5 – 6 năm, để qua mắt người mua là cá thu tươi thì người bán sẽ thủ 1 ít tiết lợn bơm vào mang cá.

Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn với giá thị trường để mua được cá thu tươi mới đánh bắt. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số người buôn bán cá thu thì đằng sau con cá thu tươi, khi cắt vẫn còn máu thì là những thủ đoạn tinh vi.

Báo Dân Trí đăng tải, mới đây trên mạng xã hội (Facebook), chủ một tài khoản đã bóc mẽ câu chuyện bán cá thu tươi không có tâm của người bán hàng. Trong câu chuyện đó, anh này kể: “Đợt rồi gia đình vợ chồng anh bạn vào chơi, cho đến sáng sớm ngày về, thì họ có nhờ tôi dẫn ra biển mua ít hải sản tươi đem về làm quà. Chuyện không có gì to tát nếu họ không mua cá thu. Bởi hôm đó nhà chị mua 2 con cỡ 10 kg, với giá 180.000 đồng/kg. Thực sự là, tôi định can dán anh chị đừng mua. Nhưng tôi không thể làm được, bởi lẽ tôi cũng là người bán hải sản và quanh năm ngày tháng làm ăn ở đây, không thể nào mà “bóc phốt” người bản địa ngay trên mảnh đất của họ được.

Cá tươi sẽ giữ màu đen, vây và đuôi nhìn sẽ lành lặn. Ảnh: Internet 

Thực ra cá thu anh bạn tôi mua hôm ấy là cá xe (cá xe: tiếng lóng chỉ cá nơi khác về và được bảo quản kho đông lạnh lâu ngày, cá không còn được tươi nữa). Còn cá biển đánh về hôm đó bán tại bãi là 230.000 đồng/kg (bán cho dân buôn), chứ thực tình nếu mua lẻ cá ấy không dưới 250.000 đồng/kg.

Có đôi khi cá xuống thấp hơn vài giá nhưng không thường xuyên, và không rẻ đến nỗi khi qua lái buôn rồi mà bán ra thị trường với giá 170.000 - 180.000 đồng/kg. Theo anh H. là một người chuyên buôn hải sản với thâm niên 5 – 6 năm nay kể: “Ở chợ bãi biển, để qua mắt người mua thì họ sẽ thủ 1 ít tiết lợn bơm vào mang cá. Chỉ bơm một ít thôi, bơm nhiều nhìn sẽ rất gớm, vì máu cá không có nhiều.”

“Đúng là khi câu tươi lên thì có máu cá, nhưng khi đã để ướp lạnh qua đá nửa ngày thì máu sẽ đông lại và thẩm thấu vào thịt, nên nó sẽ không chảy ra ngoài nhiều. Còn để lòe người mua thì người ta sẽ bơm vào mang để giữ màu đỏ lâu, lúc cắt, mổ hay dốc ngược thì máu sẽ chảy ra.”, anh H. cho biết thêm.

Nhưng theo anh H., cá cấp đông vẫn có thể có máu nhưng cá phải được cấp đông bằng máy 2 cấp và bảo quản đúng quy trình thì khi rã đông cắt ra máu vẫn tươi roi rói. Tuy nhiên, việc đánh bắt bằng tàu gỗ thì không thể có quy trình này mà vẫn phải làm đông thủ công.

Anh H. cũng cho biết thêm: “Ngoài mánh khóe đó, với loại cá tươi đã nướng miếng rồi, có một loại gọi là “cá cam” chỉ rẻ bằng một nửa cá thu. Nhưng bằng kĩ thuật cắt khúc của riêng họ, họ cắt xéo lát giống y hệt cá thu.”

“Mình đã có 5 – 6 năm kinh nghiệm bán mặt hàng này, nên những thủ thuật này là do mình bị lừa rồi, tự học tự biết, tự rút kinh nghiệm.”, anh H. nói.

Để mà truy nguồn gốc thì ngay cả người bán như anh H. cũng không biết. Nhưng theo anh, khi hỏi bất kì một kho đông lạnh ở các cảng cá Việt Nam thì đều nhận được câu trả lời là hàng miền Nam.

Tuy nhiên, anh H. cho rằng: “Thật ra mà nói, nguồn tươi sống còn không đủ cung cấp trong Nam. Vì độ ăn nhậu giảm dần từ Nam ra Bắc, miền Bắc ăn nhậu 3 thì miền Trung ăn nhậu 6 còn miền Nam họ ăn 9, nên chỉ để bán trong đó là hết.”

Ngoài ra, chủ tàu khi đi tàu có đồ gì tươi ngon mà bắt được là họ ăn ngay trên tàu. Đồ tươi ngon về cảng, người dân biết thì họ sẽ chung nhau tiền để mua luôn, giống như việc chung lợn sạch.

Số lượng nhiều nữa, nhà thuyền sẽ có mối trung thành, từ to đến nhỏ là họ mua hết nên để sản phẩm sạch, tươi ngon thực sự ra ngoài cho người dân bình dân dùng thì hơi khó.

Nhiều năm trong nghề, anh H. có một thông tin khá hay là, ở ngoài khơi, có một chợ nổi, đây là nơi giao thương của rất nhiều ngư dân của cả Việt Nam, ở một số tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình,...

Tại đó, những người đi đánh bắt xa bờ sẽ trao đổi nhu yếu phẩm, dụng cụ ngư nghiệp, xăng dầu,... Ngoài ra họ còn trao đổi cả hàng hóa, ví dụ như trong Quảng Nam, họ đánh được nhiều cá thu, nhưng người ta lại thích mực nên họ sẽ trao đổi nhau để cân bằng cung – cầu 2 bên.

Cảnh báo người dùng dịch vụ ngân hàng không cài đặt crack hoặc tiện ích mở rộng (VietQ.vn) - Ngân hàng Vietcombank vừa đưa ra cảnh báo đến khách hàng không cài đặt phần mềm bẻ khóa, các tiện ích mở rộng trên thiết bị giao dịch để bảo mật thông tin cá nhân.

Ngoài những ngư dân của Việt Nam ra, những tàu to đi xa họ lại giao thương với cả ngư dân Phillipines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,...nên để xác định nguồn gốc là rất khó.

Theo anh H, đuôi cá mục, tức là đã để rất lâu, qua nhiều mối rồi nó mới mục như thế, loại đó có giá tại kho đông hiện tại thời điểm này là 150.000 đồng/kg loại nhỏ, loại to 160.000 đồng/kg.

Như vậy tính ra giá trước khi về kho giá cá còn rẻ hơn nữa, hiện với giá dầu, giá thuê nhân công, lãi suất ngân hàng,... đánh cá về mà bán 50.000 – 100.000 đồng/kg thì không đủ vốn.

Cá qua thương lái, rồi vào kho, xong lại qua người bán lẻ mới đến người tiêu dùng cũng chỉ thể lên đến 150.000 đồng/kg, với giá đó mà bảo là cá vừa mua tại tàu thì không bao giờ có.

Theo anh H.: “Nếu tàu cá có loại cá đó tươi đó, dân buôn sẽ mua ngay tại tàu với số lượng lớn. Như sáng sớm nay, giá mua 23 con là 230.000 đồng/kg, to nhỏ không cần biết.”

“Mình về bán lại cho khách con to 5 – 7 kg nhỉnh hơn một chút, còn lại loại 3,5 kg trở lên rơi vào 250.000 đồng/kg. Mình ăn chênh 2 giá và đa phần là đổ buôn lại.”, anh H. nói.

Nhưng để mua buôn được thì anh H. đã phải tranh giành rất nhiều và phải có sự tin cậy. Khi hàng ra nhiều, anh H. phải mua nhiều cho họ. Ngay cả 2 giờ sáng họ gọi điện bảo “có 30 con hàng tiêu chuẩn thì cũng phải ôm tiền ra lấy cả”.

Tuy không phải tất cả nhưng theo kinh nghiệm của anh H, hơn 90% cá thu ra Hà Nội toàn hàng nhập khẩu, hàng kho đông. Hàng tươi sống may ra chỉ có ở các nhà hàng cao cấp.

Theo báo Infonet chia sẻ cách chọn cá biển tươi ngon, mắt cá: Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Mắt cá ươn sẽ lõm vào trong hốc, có màu đục và giác mạc mắt nhăn nheo, thậm chí rách nát. 

Cá tươi có mang màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không nhớt, không có mùi hôi.Trong khi đó mang cá ươn màu xám, không dính chặt với hoa khế, có nhớt, có mùi hôi. 

Cá tươi có vảy óng ánh, bám chặt với thân, không có niêm dịch, không có mùi hôi. Còn vây cá ươn thì mờ, không sáng óng ánh, dễ tróc khỏi thân cá, có mùi. 

Ngoài ra, miệng cá biển tươi ngậm kín, còn cá ươn thì miệng hé mở. Đối với cá biển cấp đông lạnh quá lâu ngày hoặc gặp vấn đề khi bảo quản thì răng cá thường bị rụng. Bạn cũng có thể ấn ngón tay vào thịt cá để thử, thịt cá tươi sẽ rắn chắc, đàn hồi, không hằn vết ấn.

Ninh Lan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang