Lo ế ẩm hàng Tết, doanh nghiệp như ‘ngồi trên đống lửa’

author 08:15 25/12/2016

(VietQ.vn) - Giá xăng vừa tăng gần 1.000 đồng/lít, cùng với lũ lụt tại miền Trung vẫn đang kéo dài khiến các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng tết lo ế ẩm.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện một công ty sản xuất nước mắm ở quận 5, TP.HCM cho biết, công ty của ông vừa thất thu một khoản tiền không nhỏ, do ảnh hưởng của tình hình mưa bão tại miền Trung.

Rất nhiều hàng đang chờ giao cho đối tác ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung buộc phải nằm chờ tại kho, đợi giao thông hồi phục lại, người dân dọn dẹp xong hậu quả của mưa lũ thì mới tổ chức cung cấp lại hàng hóa theo đúng kế hoạch đã đặt ra trước đó.

Không chỉ bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ ở miền Trung, các doanh nghiệp Việt lại phải gánh thêm một nỗi lo nữa khi mới đây, giá xăng vừa tăng gần 1.000 đồng/lít.

Hàng hóa tết ở siêu thị nhập về nhiều nhưng lượng mua chưa cao. 

Trong khi đó, do áp lực cạnh tranh quá lớn khiến cho các doanh nghiệp không dám điều chỉnh giá bán mà vẫn phải "cắn răng" giữ giá cũ.

Bà Hoàng Ngọc Phi – Giám đốc Công ty gạo Mười Thương, TP.HCM cho biết, với truyền thống của người dân, "dù có khó khăn thì cũng gắng lo cho bữa ăn ngày tết được chu toàn, nên các doanh nghiệp kinh doanh gạo sẽ đỡ bị áp lực hơn những ngành khác".

Bà Phi quả quyết: Diễn biến tăng giá xăng mới nhất chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung của thị trường ngày giáp tết, nhưng việc tăng giá lúc này sẽ không phải là giải pháp tốt nhất đối với doanh nghiệp để đưa hàng hóa ra phục vụ thị trường.

Hàng hóa giáng sinh 2016: Có tiềm ẩn nguy hại khó lường(VietQ.vn) - Hàng hóa Giáng sinh 2016 tràn ngập thị trường. Trong đó nhiều hàng có xuất xứ Trung Quốc, nhãn mác không đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn khi dùng.

Đại diện cho chuỗi siêu thị Coopmart cũng khẳng định rằng, do áp lực cạnh tranh rất lớn nên siêu thị đã tiến hành khóa giá với nhà phân phối từ rất sớm, cam kết giữ giá. Từ tuần sau, Coopmart sẽ bắt đầu các chương trình khuyến mãi cho dịp tết, với hy vọng sức mua sẽ tăng hơn nhiều so với hiện nay.

Trong khi đó, kênh bán hàng truyền thống là tiểu thương ở các chợ thì vẫn đang loạy hoay với nỗi lo sợ ế hàng ngày tết.

Bà Lê Thị Minh – một tiểu thương kinh doanh ngành bánh kẹo lâu năm tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) cho biết: "Sức mua tại chợ truyền thống ngày càng giảm dần, năm sau giảm hơn năm trước. Riêng đối với năm nay thì đặc biệt ế".

Cho tới giờ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới tết Nguyên Đán, nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy sức mua sẽ tăng hơn.

“Miền Trung thì lũ, miền Tây thì ngập nên tiểu thương phần lớn rất lo lắng. Bán hàng tết chủ yếu nhờ các đầu mối ở tỉnh, nhưng năm nay, đầu mối chậm gọi hàng, hoặc có gọi cũng ít hơn hẳn so với mọi năm, còn bán lẻ thì hiếm hoi lắm mới có khách, vì vậy, tiểu thương phần đông không dám trữ hàng nhiều, chỉ dám nhập cầm chừng, nghe ngóng tình hình thôi” – bà Minh nói.

Tại nhiều chợ khác trên địa bàn TP.HCM, sức mua cũng không khá hơn là bao so với chợ Hòa Hưng. Phần lớn, tiểu thương đóng hàng cho các đầu mối ở miền Trung, rồi chờ lấy tiền gối đầu, hoặc lấy tiền sau.

Thế nhưng, trên thực tế, các tiểu thương không dám cho gối đầu, hoặc lấy tiền sau nhiều, vì sợ khó thu hồi công nợ từ phía đối tác. Hàng hóa tết đang tràn ngập các chợ truyền thống, nhưng cho đến nay vẫn chưa có khách mua.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang