Lò mổ lậu “giết” lò mổ hiện đại

author 06:05 20/08/2013

Đầu tư hàng chục tỉ đồng lắp đặt hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại nhưng nhiều cơ sở đang phải hoạt động cầm chừng, giảm công suất và sa thải nhân công vì vắng khách.

Trong khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung cấp thịt sạch, nhưng nhiều địa phương vẫn dung túng cho các lò giết mổ lậu khiến các cơ sở giết mổ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rơi vào cảnh sống dở chết dở.

Càng hiện đại càng nhanh đóng cửa

Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở giết mổ khá khang trang, ông Nguyễn Quang Thọ, chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung Thy Thọ (xã Bầu Trâm, TX Long Khánh, Đồng Nai), cho biết gia đình ông từng có một cơ sở giết mổ heo nằm trong khu dân cư tại TX Long Khánh. Sau khi Đồng Nai có quy định di dời các lò mổ nhỏ lẻ vào quy hoạch, ông Thọ đã bỏ tiền mua 2ha đất tại vùng quy hoạch và đầu tư thêm trên 5 tỉ đồng để xây dựng khu giết mổ rộng 1.500m² với tám dàn treo mổ, khu nuôi nhốt và hệ thống xử lý môi trường.

 

Điều đáng buồn là theo ông Thọ, từ khi hoạt động đến nay ngày nhiều nhất cơ sở này chỉ giết mổ được 50 con heo, còn ngày ít chỉ khoảng 35 con, trong khi công suất thiết kế của dây chuyền lên tới 200 con/ngày. “Phải đảm bảo công suất 100 con trở lên chúng tôi mới có lời. Nhưng bây giờ chỉ dùng 2-3 dàn giết mổ và làm chưa đầy một giờ đã xong công việc cả ngày. Heo giết mổ ở đây cũng chủ yếu là của gia đình và những mối quen từ lò mổ cũ đem đến làm, còn heo bên ngoài không có. Biết thế này tôi chưa dám đầu tư xây dựng lò mổ này”, ông Thọ nói.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), thuộc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Khánh thành vào cuối năm 2007 tại Trảng Bom (Đồng Nai), D&F có vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng với hai dây chuyền giết mổ gia súc và gia cầm hiện đại nhập khẩu từ châu Âu. Trong đó, dây chuyền giết mổ heo với công suất 100 con/giờ và dây chuyền giết mổ gà công suất 2.000 con/giờ.

Thế nhưng, ông Nguyễn Tuấn Phương - giám đốc D&F - cho biết từ khi khánh thành đến nay nhà máy chưa bao giờ hoạt động hết công suất và hiện nay chỉ hoạt động khoảng 20-30% công suất thiết kế. Đây chỉ là hai trong số hàng loạt nhà máy giết mổ hiện đại tại Đồng Nai phải sống dở chết dở vì không có khách. Thậm chí, ngay cả một nhà máy giết mổ hiện đại bậc nhất tại Đồng Nai do một doanh nghiệp châu Âu đầu tư, sau một thời gian hoạt động cầm chừng phải bán tống bán tháo nhà máy, nhưng đến nay cũng bị bỏ không.

Chính quyền dung túng cho giết mổ lậu

Ông Nguyễn Tuấn Phương cho biết nếu công suất giết mổ của nhà máy này đảm bảo 300-400 con/ngày, chi phí giết mổ sẽ chỉ còn 50.000-60.000 đồng/con, bằng với giá giết mổ ban đầu. Tuy nhiên, do lượng heo giết mổ mỗi ngày chỉ 50-70 con nên giá thành bị đội lên đến 200.000 đồng/con. “Nếu tính đúng tính đủ chi phí thì giá công giết mổ quá cao không hút được khách cũng chết, mà giảm giá giết mổ để cạnh tranh với bên ngoài cũng chết vì thua lỗ dài dài...”, ông Phương than. Trong khi đó, theo ông Thọ, cơ sở này cũng chỉ lấy phí 50.000 đồng/con, bằng với giá giết mổ của lò thủ công nhưng vẫn không kéo được khách.

Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết nguyên nhân khiến các nhà máy giết mổ hiện đại khó sống là do thói quen giết mổ cũ và tiêu dùng “thịt nóng” của người VN. Hầu hết các lò giết mổ cũ đều nằm trong khu dân cư, gần với các chợ và điểm bán lẻ, nhiều cơ sở không có sự kiểm soát của cơ quan thú y, giết mổ heo, gà ngay trên sàn, nội tạng và thịt chung một chỗ nên thời gian nhanh chóng hơn nhưng tất nhiên rất mất vệ sinh. Do không phải đóng phí kiểm dịch thú y, xử lý môi trường nên nhiều lò mổ có giá thành rẻ hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Phương cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất để đưa hoạt động giết mổ vào khuôn khổ, hạn chế các cơ sở giết mổ lậu và không đảm bảo vệ sinh là kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh thịt tại chợ. “Nếu các ban quản lý chợ yêu cầu tiểu thương phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y mới cho vào thì đương nhiên thịt chế biến từ những cơ sở lậu sẽ không thể vào chợ được” - ông Phương đề nghị. Trong khi đó, theo ông Thọ, chính sự thiếu hỗ trợ của chính quyền địa phương đã đẩy các cơ sở giết mổ hiện đại rơi vào tình cảnh khó khăn thời gian qua.

Ông Thọ bức xúc cho biết trước khi quyết định đầu tư vốn vào cơ sở giết mổ, UBND thị xã Long Khánh đã cam kết sau khi cơ sở này đi vào hoạt động, địa phương này sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ gia súc trái phép, đồng thời vận động các cơ sở giết mổ tập trung nằm ngoài vùng quy hoạch vào cơ sở Thy Thọ để hoạt động. 

Thế nhưng, từ khi Thy Thọ hoạt động vào đầu năm 2013 đến nay, các cơ sở giết mổ cũ vẫn hoạt động bình thường thay vì bị rút giấy phép. Thậm chí, hầu hết cơ sở giết mổ ngoài quy hoạch tại TX Long Khánh hiện đã bị cơ quan thú y địa phương rút dấu thú y. Như vậy, thịt từ các cơ sở này đưa ra bán tại thị trường là thịt lậu, không có kiểm dịch của cơ quan thú y nhưng các lò mổ lậu vẫn hoạt động bình thường.

Heo giết mổ thủ công: nguy cơ nhiễm vi sinh rất cao
 
Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết các nhà máy giết mổ hiện đại thường làm theo quy trình của châu Âu, tức là làm ra thịt lạnh. Heo giết mổ xong, pha lóc được bảo quản lạnh, vận chuyển bằng xe lạnh và đưa ra hệ thống cửa hàng có trang bị tủ mát để bán hàng. Do đó, heo hầu như không bị nhiễm vi sinh và chất lượng đảm bảo như khi vừa giết mổ. Nhưng ở VN, người tiêu dùng vẫn thích ra ngoài chợ cầm tận tay miếng thịt lên xem mới mua. Với điều kiện nhiệt đới và cách giết mổ thủ công, chủ yếu là đặt dưới sàn đất không đảm bảo vệ sinh, thịt heo bán ngoài chợ có nguy cơ nhiễm vi sinh rất cao, chưa kể có thể bị biến đổi chất lượng do để quá lâu ngoài nhiệt độ thường.
 
Khuyến khích giết mổ tập trung để kiểm soát dịch bệnh
 
Ông Phan Minh Báu - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, đồng thời là giám đốc Ban quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) Đồng Nai - cho biết theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, cả tỉnh sẽ quy hoạch 36 cơ sở giết mổ gia súc tập trung hiện đại. Hiện mới chỉ có ba cơ sở nhưng hai cơ sở hoạt động không hiệu quả. “Nếu chính quyền các địa phương không thực hiện đúng cam kết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án sắp tới vì các chủ đầu tư không dám tham gia”, ông Báu cho hay.
Cũng theo ông Báu, trước khi quyết định tài trợ vốn cho một dự án nào, Lifsap đều yêu cầu chính quyền địa phương cam kết sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ dẹp bỏ hết các lò mổ lậu, thủ công nằm trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Điều này không chỉ đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, mà còn nhằm đưa hoạt động chăn nuôi, giết mổ và phân phối gia súc gia cầm theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và cộng đồng. 
“Giết mổ tập trung là khâu quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh và chất lượng thịt heo đưa ra thị trường. Đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm thịt an toàn từ trang trại đến các chợ bán lẻ cho người dân. Nếu không đảm bảo các cơ sở này hoạt động thì không thể quản lý được chất lượng thịt ngoài thị trường”, ông Báu cho biết.

Trần Mạnh

Theo Tuổi trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang