Lo ngại thức ăn chăn nuôi hạ giá, giảm chất lượng

author 08:59 25/03/2013

(VietQ.vn) - Hàng loạt doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) phá sản, đình đốn sản xuất, hàng không bán được. Lo ngại doanh nghiệp mình có trong số đó, không ít doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt giảm giá, giảm chất lượng sản phẩm.

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA) kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá các loại thức ăn công nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm hỗ trợ người chăn nuôi.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch VFA cho biết, năm 2012, có hơn 40 nhà máy sản xuất TĂCN phải ngừng hoạt động do không bán được sản phẩm, thua lỗ kéo dài… Nhiều doanh nghiệp đã giải quyết khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng cách giảm giá cùng với việc giảm chất lượng sản phẩm.

Kéo theo bối cảnh đó, người chăn nuôi bỏ chuồng, bỏ ao vì thua lỗ, việc giảm giá các sản phẩm thức ăn công nghiệp được thực hiện với mong muốn hỗ trợ người nông dân tái đàn, nhà máy chế biến thức ăn có điều kiện phát triển sản xuất, khôi phục chăn nuôi trong nước.

VFA cảnh báo, nếu các doanh nghiệp sản xuất TĂCN phá sản, ngừng hoạt động hàng loạt hoặc kéo dài sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả chuỗi sản xuất, tiêu thụ ngành chăn nuôi sau này. Lúc đó, nguồn TĂCN trong nước và cả hoạt động chăn nuôi sẽ phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp TĂCN nước ngoài và nguồn cung nhập khẩu.

Việc giảm giá các mặt hàng TĂCN đang được coi là "cứu cánh" cho cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Để làm được điều đó, các nhà máy chế biến TĂCN và người chăn nuôi phải bắt tay hợp tác trực tiếp với nhau, bỏ qua các giai đoạn trung gian, đại lý phân phối nhiều tầng như hiện nay.

Người nông dân có thể phải treo chuồng vì hệ lụy phá sản hàng loạt của doanh nghiệp và giá thức ăn chăn nuôi cao. Ảnh minh họa
Người nông dân có thể phải treo chuồng vì hệ lụy phá sản hàng loạt của doanh nghiệp và giá thức ăn chăn nuôi cao. Ảnh minh họa

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng nên sớm đưa ra các bộ tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm TĂCN để thông qua đó, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chi phí phát sinh không cần thiết khi phải liên tục thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tại cuộc họp bàn về giải pháp vượt qua khó khăn của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất TĂCN Việt Nam tổ chức ở TP. HCM, ông Lê Bá Lịch một lần nữa khẳng định, ngành sản xuất TĂCN Việt Nam đang bị kiểm soát chất lượng quá chặt chẽ.

Ông Lịch dẫn chứng, chỉ cần một vỏ xác ấu trùng là có thể bắt tái xuất cả đoàn tàu chở vài chục nghìn tấn ngô, khô đậu tương mà không cho doanh nghiệp có cách lựa chọn nào khác. Hay, chỉ cần cơ quan nhà nước phân tích chất lượng thức ăn thiếu 0,05% đạm hoặc dôi dư 0,1% muối ăn so với công bố trên nhãn mác, bao bì là phạt. Trong khi đó, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định sai số cho phép trong giám định kết quả phân tích nên thiếu hoặc thừa theo tiêu chuẩn, khiến các doanh nghiệp TĂCN trong nước đều gặp khó.

Cũng theo ông Lịch, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm TĂCN là cần thiết, tuy nhiên nhà nước cần thống nhất tiêu chuẩn, phương pháp lấy mẫu, phương pháp phân tích… và kết quả phải có sai số cho phép để xử lý hợp lý, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty thức ăn chăn nuôi Proconco cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng của Proconco đã sụt giảm 20%, điều này cho thấy tình hình chăn nuôi đang chậm lại, năm 2012 nhiều đơn vị TACN phá sản, nhiều DN đang trên bờ vực đổ vỡ. Khi chăn nuôi giảm, doanh nghiệp cung ứng TĂCN sẽ tìm cách giảm giá bằng giảm chất lượng, đây là điều vô cùng nguy hiểm.

Để giảm giá thành sản lành mạnh, bà Hồng đề nghị Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét quy hoạch lại ngành công nghiệp sản xuất TĂCN, nhất là việc tự cung ứng các nguyên liệu từ nông sản bởi vấn đề này đã được đề cập đến từ rất lâu mà đến nay Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng vẫn không thực hiện được.

Trước thực trạng thiếu nghiêm trọng nguyên liệu TĂCN như hiện nay, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tự sản xuất nguyên liệu bằng cách: chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô phục vụ chăn nuôi; khuyến khích chế biến bột cá; khuyến khích các ngành hoá nghiên cứu tạo nguyên liệu mới trong TĂCN như: thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia, mùi, màu, vị…

Hiện cả nước có 234 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thì đã có 40 doanh nghiệp không còn sản xuất, gần như phá sản. Trong số 194 doanh nghiệp còn lại, có rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng.

Hiệp hội đã kêu gọi doanh nghiệp sản xuất thức ăn giảm giá thành tới mức có thể và đảm bảo giữ chất lượng. Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành thức ăn.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nên doanh nghiệp khá chật vật khi giá nguyên liệu tăng cao, trong khi đó sản phẩm làm ra lại có giá thành cao hơn các nước trong khu vực. Theo ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang cao hơn giá tại Thái Lan, Indonesia, Đài Loan… đến 20%, bởi láng giềng chủ động được nguồn nguyên liệu.

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang