Lo ngại "trốn" đi nhập ngũ nảy sinh tiêu cực

author 15:48 22/02/2013

(VietQ.vn) – Để "trốn" nghĩa vụ quân sự, người dân có thể "xin" các trường điều chỉnh thời gian gọi nhập học sớm hơn.

Thông tư 13 của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc gọi nhập ngũ thu hút sự quan tâm của dư luận  trong thời gian qua.

"Trốn" đi bộ đội?

Thông tư quy định: “Công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ”.

Dù đã hạ tiêu chuẩn để phong quân hàm vượt cấp khi ra trường nhưng những năm gần đây, Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y vẫn gặp khó khăn khi thu hút nhân tài, khi mà những học sinh nghèo có thể vay vốn Chính phủ để theo học các trường bên ngoài. Ảnh: Anh Tuấn
 Có nhiều cách để các bậc phụ huynh và học sinh "né" việc nhập ngũ. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, sẽ xảy ra trường hợp, dù nhận được giấy gọi nhập ngũ trước giấy báo nhập học, nhưng nếu gia đình không muốn cho con “đi bộ đội” thì sẽ xảy ra hiện tượng "xin" nhà trường điều chỉnh giấy gọi lên sớm hơn, trước ngày báo nhập ngũ.

Hoặc nếu thi trượt một trường nào đó, công dân có thể cố gắng "xin xỏ" một giấy báo nhập học của trường "top dưới" khác để tránh nhập ngũ.

Trả lời về vấn đề này với PV Chất lượng Việt Nam, Đại tá  Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ GD&ĐT cho biết, trong nhiều lĩnh vực đều có tiêu cực, nên nếu gia đình muốn "trốn" nghĩa vụ quân sự thì họ có thể nghĩ ra nhiều cách.

Vì thế, vấn đề cơ bản là phải làm sao tuyên truyền, giáo dục công dân ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, thực hiện tự giác nghĩa vụ quân sự.

Theo tìm hiểu của PV, quân đội có 2 thời điểm tuyển quân là tháng 2 và tháng 8.

Đại tá Nguyễn Thiện Minh khẳng định, những học sinh lớp 12 đang học sẽ không có giấy gọi nhập ngũ vào tháng 2. Nhưng đến tháng 8, sau khi thi ĐH, CĐ xong, những trường hợp đủ tiêu chuẩn sẽ có giấy gọi.

Lúc đó sẽ xảy ra “xung đột” giữa giấy báo nhập học và giấy gọi nhập ngũ ? – khi chúng tôi hỏi câu này thì Đại tá Nguyễn Thiện Minh cho rằng, lúc đó công dân nên chấp hành đúng pháp luật quy định.

Thay đổi quy định không phải vì tình hình biển Đông

Vụ trưởng Nguyễn Thiện Minh cũng khẳng định, việc thay đổi quy định tuyển quân không liên quan gì đến tình hình biển Đông hiện nay (nếu có chiến tranh thì sẽ ban hành Lệnh Tổng động viên toàn quốc), cũng không liên quan gì đến việc một số trường hàng đầu của quân đội (Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y) đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài.

Vị Đại tá cho rằng, sở dĩ phải thay đổi Thông tư để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới, tạo nguồn quân thường trực để thay thế quân dự bị...

Sau khi các tờ báo đăng tải về Thông tư 13, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người đồng tình, mong muốn áp dụng việc bắt buộc đi nghĩa vụ cho tất cả thanh niên Việt Nam.

Nhưng cũng có người cho rằng, việc thanh niên tốt nghiệp phổ thông rồi vào đại học, ra công tác bên ngoài...cũng là đóng góp cho đất nước, chứ nhất thiết không phải vào quân đội.

Hoàng Tuân – Lê Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang