Lò vi sóng, máy sấy tóc sẽ phải đảm bảo quy chuẩn mới được lưu thông trên thị trường

author 17:13 29/11/2017

(VietQ.vn) - Cùng với lò vi sóng, máy sấy tóc, các loại bếp điện, bếp từ, máy xay sinh tố, máy ép trái cây… cũng sẽ phải áp quy chuẩn. Đây là nội dung dự thảo sửa đổi QCVN 9:2012/BKHCN đang được Bộ KH&CN lấy ý kiến góp ý.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo dự thảo sửa đổi QCVN 9:2012/BKHCN (QCVN 9), phạm vi điều chỉnh sẽ không áp dụng cho thiết bị điện, điện tử sử dụng nguồn điện ba pha. Tuy nhiên, quy chuẩn sẽ bổ sung thêm 4 nhóm sản phẩm cần quản lý theo từng giai đoạn, cụ thể: Máy sấy tóc; Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 1/2019; Thiết bị đun nấu (loại điện từ); Bếp điện (bếp điện quang, bếp điện từ) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 1/2020 và Máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy xay thịt, máy đánh trứng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của QCVN trước khi lưu thông trên thị trường từ tháng 1/2021.

Theo dự thảo sửa đổi QCVN về tương thích điện từ, sẽ có 4 nhóm sản phẩm sẽ phải áp quy chuẩn trước khi lưu thông trên thị trường 

Dự thảo QCVN 9 cũng đưa ra phương thức quản lý mới, đó là các sản phẩm điện điện tử có đặc điểm là sản xuất hàng loạt có độ ổn định tương đối cao trong sản xuất về thiết kế cho nên sẽ áp dụng phương thức 1 (phê duyệt kiểu hay thử nghiệm mẫu điển hình). Bên cạnh đó, tăng cường thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm của tổ chức kỹ thuật nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Đồng thời, sản phẩm nhập khẩu được phép thông quan trước và kiểm tra sau theo quy định của Thông tư 07/2017/TT-BKHCN.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cùng với sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin, điện, điện tử… là sự gia tăng mức độ phát xạ điện từ vào môi trường gây ra các hoạt động sai lệch của chính thiết bị và các thiết bị lân cận, thậm chí có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, yêu cầu tương thích điện từ của sản phẩm đã trở thành một trong các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc và vai trò của tương thích điện từ ngày càng gia tăng trên thế giới. Ở các nước có nền công nghiệp điện, điện tử phát triển và xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử thì các doanh nghiệp rất chú trọng việc đáp ứng các yêu cầu về EMC của sản phẩm, đồng thời đầu tư xây dựng phòng thử nghiệm tương thích điện từ.

“Về tiêu chuẩn hóa, hiện nay, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã thiết lập một Ủy ban Đặc biệt Quốc tế về Sự can nhiễu sóng vô tuyến (CISPR) để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế CISPR về các yêu cầu và kiểm tra và các giới hạn phát nhiễu và miễn nhiễm điện từ trường của các sản phẩm điện, điện tử. Đây chính là cơ sở khoa học cho các quy định quản lý về EMC trên thế giới hiện nay”, ông Khôi cho biết.

Được biết, tại các nước tiên tiến trên thới giới như EC, Mỹ, Canada, Úc, Newzealand, Nhật Bản cũng như các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc, Nga, Ấn độ, Brasil, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và một số nước Asean đều có quy định quản lý về tương thích điện từ (EMC). Việc quản lý EMC cũng đa dạng về phương thức quản lý và đang dạng theo nhóm sản phẩm.

Ông Khôi cũng cho biết, tại Việt Nam Quản lý tương thích điện từ (EMC) đối với sản phẩm điện - điện tử đã được thực thi từ lâu song cho tới thời điểm này nhận thức của đông đảo người sử dụng thiết bị và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện - điện tử vẫn còn hạn chế.

Hiện nay công tác quản lý EMC tại Việt Nam đang được triển khai thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các Thông tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, từ năm 2012 Bộ KH&CN cũng đã ban hành QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện, điện tử gia dụng và các mục đích tương tự để quản lý khả năng gây can nhiễu mất an toàn của một số thiết bị điện, điện tử gia dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thiết bị điện, điện tử sử dụng nguồn điện ba pha không cần thiết phải áp quy chuẩn nên loại bỏ khỏi danh sách sản phẩm quản lý theo quy chuẩn.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, điện tử gia dụng, các sản phẩm này trong quá trình sử dụng thực sự có phát xạ nhiễu ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các thiết bị xung quanh gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người tiêu dùng và tuổi thọ của các thiết bị.

Việc bổ sung 4 nhóm sản phẩm vào QCVN 9 là cần thiết, bởi trong thời gian qua, với sự thay đổi một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong QCVN 9:2012/BKHCN đã được sửa đổi, thay thế bằng văn bản mới, do đó, việc sửa đổi QCVN 9 đảm bảo tính cập nhật, đồng bộ của hệ thống văn bản, đáp ứng các mục tiêu quản lý trong tình hình mới một cách hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, ông Khôi khẳng định.

Lò vi sóng có thể tạo ra các hợp chất phóng xạ có hại(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu của nhà khoa học Thụy Sĩ Hans Hertel, nấu hay hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có thể làm biến dạng các phân tử trong thực phẩm, tạo ra các hợp chất phóng xạ có hại.

Uyên Chi

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang