Lộ yếu điểm lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam

author 10:53 02/12/2012

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhân sự hàng đầu đều nhận định điểm yếu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là khả năng quản trị rủi ro, kĩ năng quảng cáo và tiếp thị, quản trị nhân lực.

Yếu về Marketing

Khủng hoảng kinh tế chính là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lí điều hành, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong phát triển bền vững doanh nghiệp.
 
Báo cáo thường niên quản trị nguồn nhân lực Việt Nam là một khảo sát trong phạm vi các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Báo cáo thường niên năm nay đã tập trung vào chất lượng lãnh đạo của doanh nghiệp như: lãnh đạo nhìn nhận về bản thân, lãnh đạo dưới góc nhìn của cấp dưới, các báo cáo về điểm mạnh-yếu, năng suất lao động cũng như vai trò, vị trí của lãnh đạo doanh nghiệp. 
CEO của các doanh nghiệp
 
Mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp ngoài quốc doanh được đánh tốt về phẩm chất, tư duy trong thời kì mới nhưng nhiều kĩ năng của đội ngũ này còn hạn chế. Để doanh nghiệp vững bước hơn trong những chặng đường mới, người lãnh đạo cần nâng cao năng lực quản trị điều hành. Do đó, để đổi mới chuỗi giá trị, hướng tới các lợi thế cạnh tranh bền vững, doanh nghiệp cần có sự đầu tư và chuẩn bị trong nhiều năm.
 
Theo đó, phát triển quảng cáo và tiếp thị sản phẩm, đối mặt với rủi ro kinh doanh, tài chính và nhân sự là ba điểm yếu của các doanh nghiệp này. Đây là những mối quan tâm của doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng là những điểm yếu được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm. 
 
Để vượt khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, quyết định ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc vốn và tài chính. Theo đó sẽ cắt giảm chi phí vận hành, loại bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, cải cách lương thưởng. Đây được đánh giá là nhóm giải pháp ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn. 
 
Đại diện phía doanh nhân, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch công ty Traphaco chia sẻ: “Tôi tham gia quản lí doanh nghiệp gần 20 năm. Trong hơn 13 năm làm Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị, càng ngày chúng tôi càng thấm thía vai trò con người trong các tổ chức, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Những năm gần đây chúng ta lại càng thấy vai trò quan trọng của nguồn nhân lực và đặc biệt là nhân sự cấp cao. Khi Việt Nam đang trải qua thời kì vô cùng khó khăn: tình trạng các doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất rất nhiều, tôi thấy thấm thía vai trò của người cầm đầu trong tổ chức. Lúc này, người ta không nhìn vào đám đông mà nhìn vào người cầm đầu, đến tố chất của người lãnh đạo. Có thể nói, ở Traphaco, có lẽ một trong những đóng góp lớn của cá nhân tôi cho sự phát triển công ty không phải ở qui mô, vốn liếng, mà chính là những thế hệ kế cận"

Cần những luồng gió mới
 
Muốn đổi mới một doanh nghiệp, phải đổi mới một chuỗi giá trị. Có nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng, với cách thức làm việc theo nhóm, thay vì kinh doanh bằng cơ hội, quan hệ, hay dựa trên lợi thế tài nguyên. Người quyết định làm việc này là các ông chủ doanh nghiệp.
 
PSG - TS Lê Quân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục quốc tế , đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, chúng tôi chọn chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp làm chủ đề chính. Diễn giả cũng là các doanh nhân. Bởi mong muốn mọi người cùng thẳng thắn chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu. Trong báo cáo có những vấn đề do các lãnh đạo sẽ tự đánh giá mình và cũng có khảo sát từ các cấp dưới đánh giá lên. Những điều này có thể viết thành sách, nhưng dù hay, cũng không nhiều doanh nhân đủ thời gian để đọc, cũng có người đọc, song cũng không đủ để ngấm. Khi đến và nghe những chia sẻ của đồng nghiệp, họ sẽ “học mót” được một vài điều, nhưng hầu hết là những điều họ đang gặp phải, có thể áp dụng ngay, có khả năng điều chỉnh ngay những gì mà doanh nghiệp đang lấn cấn…
 
“Khi tư vấn cho các doanh nghiệp, tôi phát hiện ra nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách tổ chức công việc cho chính mình. Cũng có thể do trước đây, hoạt động của một doanh nghiệp dựa vào một số nhân vật có một số quan hệ đặc biệt và chỉ một vài người này có thể kiếm được đủ hợp đồng nuôi cả doanh nghiệp. Khi đó, việc tổ chức công việc của lãnh đạo, cách thức phân cấp, phân quyền trong hệ thống chưa phải là nhân tố quyết định sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp dù hoạt động rộng khắp, có hàng chục công ty con lớn nhỏ, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về trung tâm”, ông Quân phân tích về một trong những lát cắt quan trọng trong “gót chân Asin” của các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, khi thời kinh doanh bằng quan hệ đã bắt đầu qua.

Minh Hiếu
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang