Loạn quảng cáo mỹ phẩm Magic Skin lừa dối người dùng: Đơn vị sở hữu ‘không chịu trách nhiệm’, lộ những ‘điểm mờ’

author 06:32 05/04/2021

(VietQ.vn) - Trước tình trạng mỹ phẩm Magic Skin được hàng loạt website quảng cáo sai sự thật, phía Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World đã chính thức có phản hồi.

Đơn vị sở hữu thương hiệu Magic Skin tuyên bố “không chịu trách nhiệm”

Như thông tin Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đề cập trong bài viết “Quảng cáo mỹ phẩm Magic Skin 'núp bóng' thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng”, thời gian qua, trên nhiều website và mạng xã hội, đặc biệt là các website như: https://www.magicskinvietnam.net; https://magicskin.asia; http://congtymagicskin.com) các sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH TM & DV Mỹ phẩm Ruby’s World (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World) sản xuất, phân phối, chịu trách nhiệm công bố và đưa ra thị trường đang được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh, có công dụng “đặc trị”, “điều trị” bệnh ngoài da, các loại mụn. Không chỉ quảng cáo mỹ phẩm Magic Skin giống với thuốc chữa bệnh, các website trên còn tự ý “vẽ” thêm công dụng của mỹ phẩm sai so với nội dung đã được cơ quan y tế cấp phép.

Dù chỉ là mỹ phẩm nhưng sản phẩm thương hiệu Magic Skin lại được quảng cáo có công dụng "đặc trị", "điều trị" mụn, lừa dối người dùng về công dụng thực sự của sản phẩm.

 

Trước tình trạng trên, dư luận không khỏi thắc mắc, cá nhân hay tổ chức nào đang đứng sau các website quảng cáo sai sự thật về mỹ phẩm Magic Skin? Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World (đơn vị sản xuất, phân phối, công bố mỹ phẩm Magic Skin) có chịu trách nhiệm về những quảng cáo sai sự thật này? Trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm mỹ phẩm Magic Skin kém chất lượng trên các website kể trên, họ sẽ tìm đến ai để đòi quyền lợi?

Liên quan tới những thắc mắc kể trên, Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World mới đây cũng đã có những phản hồi chính thức. Trong văn bản gửi Chất lượng Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World khẳng định các website như: https://www.magicskinvietnam.net; https://magicskin.asia; http://congtymagicskin.com đều là giả mạo, không thuộc quyền quản lý của công ty này. Phía Ruby’s World cũng khẳng định không chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng sản phẩm được đăng tải trên các website này.

Những “điểm mờ”

Trên thực tế, mặc dù phía Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World một mực khẳng định những website kể trên không phải do công ty quản lý, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các website này vẫn đang cung cấp các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Magic Skin đến tay người tiêu dùng.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung” (một trong các sản phẩm được giới thiệu là bán rất chạy của thương hiệu Magic Skin), phóng viên đã liên hệ tới số hotline được ghi trên trang http://congtymagicskin.com/.

Sản phẩm Cao nám Hoàng Cung được niêm yết trên website và fanpage chính thức của Công ty TNHH Tập đoàn Ruby's World. 

 

Chỉ sau một vài giây đổ chuông, đầu dây điện thoại bên kia (nữ) đã hỏi tình trạng nám và tư vấn cho phóng viên về công dụng cũng như cách dùng sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung”. Theo lời người này, sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung” có thể chữa dứt điểm tình trạng nám da, kể cả nám da do bẩm sinh lâu năm.

Người này sau đó còn xin kết bạn Zalo với phóng viên để tư vấn kỹ hơn và gửi hình ảnh quảng cáo về sản phẩm “Cao trị nám Hoàng Cung”. Hình ảnh sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung” mà người phụ nữ này gửi sang cho phóng viên xem giống hệt sản phẩm được quảng cáo trên website chính thức (https://myphammagicskin.vn/) và Fanpage chính thức của Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World (https://www.facebook.com/MagicSkinVN).

Hình ảnh sản phẩm "Cao nám Hoàng Cung" được người bán gửi sang cho phóng viên. 

Tương tự, khi phóng viên (trong vai người mua hàng) liên hệ với số hotline trên trang website https://www.magicskinvietnam.net/ cũng được nhân viên thông báo có bán sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung” của Magic Skin. Điều đáng nói là cả hai số điện thoại mà phóng viên liên hệ để mua sản phẩm “Cao nám Hoàng Cung” đều khẳng định đây là sản phẩm của Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World.

Qua phản hồi của Công ty TNHH Tập đoàn Ruby's World và những gì phóng viên đã thu thập được, có thể thấy, hiện đang có rất nhiều "điểm mờ" khó lý giải xung quanh việc phân phối, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Magic Skin trên thị trường.

Tính xác thực từ những thông tin mà Công ty TNHH Tập đoàn Ruby's World đưa ra và sản phẩm được phân phối qua các website mà công ty này cho là "giả mạo" giống nhau đến lạ thường cũng là câu hỏi lớn. Vậy những sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu, có phải do Công ty TNHH Tập đoàn Ruby's World cung cấp? Trước vấn đề này, đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc làm rõ.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Luật sư Lâm Quang Ngọc, Văn phòng luật sư Hùng Phúc, Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm quy định: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Như vậy, có thể thấy, việc quảng cáo mỹ phẩm thương hiệu Magic Skin hiện nay đã và đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang