Loạt thuế, phí giảm mạnh, có loại về 0%: Giá xe ô tô trong nước sẽ giảm tới gần 300 triệu

author 12:29 30/05/2020

(VietQ.vn) - Phí trước bạ được giảm 50%, thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ưu đãi 0% sẽ giúp xe ô tô sản xuất trong nước có nhiều lợi thế, nhiều mẫu xe giảm mạnh.

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, liên quan đến thị trường ô tô trong nước, Chính phủ đồng ý với giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, thời điểm này người tiêu dùng và cả các hãng xe tại Việt Nam vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Hiện chưa rõ việc giảm phí trước bạ sẽ áp dụng đối với những dòng xe nào (xe du lịch hay xe thương mại), thời gian áp dụng vào thời điểm nào, trước hay sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các trường hợp đã nộp phí trước bạ trong năm 2020 có được hoàn trả hay không…

 Mức ưu đãi của một số dòng xe lắp ráp trong nước khi giảm 50% phí trước bạ. Ảnh: Dân Trí

Hiện tại, phí trước bạ đối với xe mới phổ biến ở mức 10% và 12% giá trị xe, tính theo giá bán công bố. Do đó, khi Nghị quyết chính thức đi vào thực hiện, các dòng xe lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải áp dụng mức phí trước bạ từ 5 - 6% giá trị xe. Dự báo đợt giảm phí trước bạ này sẽ giúp giảm chi phí mua xe của người tiêu dùng khá nhiều - từ 30 triệu đồng cho các dòng xe có giá trị 500 triệu đồng và tăng lên tương ứng theo giá trị xe.

Ở phân khúc xe sang, chỉ có duy nhất Mercedes-Benz, với một số dòng xe lắp ráp trong nước như E-class, C-class và GLC được hưởng ưu đãi này.

Ở phân khúc xe hạng trung cao cấp, chỉ duy nhất Peugeot (hiện đang có hai mẫu crossover 3008 và 5008 cùng mẫu MPV Traveller) được hưởng ưu đãi.

Ở phân khúc xe bình dân, khá nhiều thương hiệu được hưởng lợi, gồm: Hyundai, Mazda (ngoại trừ mẫu bán tải BT-50), KIA, VinFast, Ford với Ecosport và Tourneo, Honda với City, Mitsubishi có Outlander, Nissan với Sunny, Toyota với Vios/Altis/Innova (riêng mẫu Fortuner vừa lắp ráp, vừa nhập khẩu)…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125 ngày ngày 16/11/2017. Nghị định 57 bổ sung thêm Điều 7b “về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024”.

Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, được áp dụng từ ngày 10/7/2020.

Theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% thì các DN phải cam kết đạt sản lượng nhất định. Cụ thể với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, DN phải đạt tổng sản lượng sản xuất tối thiểu 8.000 xe vào năm 2018 và nâng dần lên 13.500 xe vào 2022. Với mẫu xe riêng, phải đạt sản lượng tối thiểu 3.000 xe vào năm 2018 và 5.000 xe vào 2022.

Với quy định này, theo Vietnamnet, thời gian qua chỉ một số DN đạt được là Trường Hải, Toyota Việt Nam, TC Motor,... Những DN có sản lượng thấp hơn không được hưởng. Trong tình hình hiện nay, khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về đã được hưởng thuế suất 0% thì các DN đề nghị mở rộng ưu đãi này nhằm giảm khó khăn cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo quy định mới, sẽ có thêm các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện. Đặc biệt là những DN sản xuất lắp ráp xe sang, nếu phải cam kết đạt sản lượng như xe bình dân mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%, sẽ không công bằng, bởi doanh số bán luôn luôn thấp.

Quan trọng hơn nữa là các DN công nghiệp hỗ trợ, nhập nguyên vật liệu mà trong nước chưa sản xuất được, về sản xuất linh kiện, cung cấp cho lắp ráp ô tô, cũng được hưởng mức thuế ưu đãi này.

Theo tính toán của các DN, với quy định này sẽ giúp giá thành ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam giảm từ 2-5% tùy từng sản phẩm. Điều đó sẽ giúp cho xe sản xuất lắp ráp trong nước có điều kiện giảm bán, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Mặc dù vậy, các DN cũng cho biết, những ưu đãi này chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN. "Nó mới chỉ giúp thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh, giữa sản phẩm lắp ráp trong nước với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc", ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor cho biết.

Trong khi đó, do sản lượng thấp nên chi phí sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam vẫn cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Chính vì thế, xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.

Tín hiệu lạc quan cho kinh doanh bất động sản hậu Covid-19(VietQ.vn) - Mặc dù kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tuy nhiên theo các chuyên gia đó là cơ hội lớn cho những người biết tận dụng.

Thêm ưu đãi này, ước tính xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm chi phí khoảng 15-17% so với thời điểm cuối 2018. Trong khi đó, do được hưởng thuế nhập khẩu 0%, xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam có thể giảm từ 23-25%.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang