Logistics, truy xuất nguồn gốc sẽ 'cất cánh' nhờ công nghệ blockchain?

author 07:08 29/05/2018

(VietQ.vn) - Logistics, truy xuất nguồn gốc vốn là lĩnh vực còn non yếu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ 'cất cánh' nhờ ứng dụng công nghệ blockchain - một trong số 12 trụ cột công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chiều 28/5, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức họp báo về Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit (VBS) 2018 với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách”.

Theo thông tin từ ban tổ chức, cùng với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), robot và Internet vạn vật (IoT), công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Blockchain tạo ra công nghệ nền tảng tương tự như công nghệ TCP/IP đối với sự phát triển của Internet.

Một ứng dụng nổi bật của blockchain là tiền mã hóa (cryptocurrency) đã được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và truyền thông quan tâm cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, blockchain có rất nhiều ứng dụng đặc sắc khác. Chẳng hạn, blockchain có thể giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn non yếu như dịch vụ logistics hay truy xuất nguồn gốc. Blockchain cũng hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai chính phủ điện tử.

Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu về Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit. Ảnh: Bảo Bình

Công nghệ blockchain gắn với sự ra đời của đồng tiền số đầu tiên là bitcoin. Mặc dù blockchain đã trở thành công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số nhưng nhiều người vẫn đồng nhất blockchain với các loại tiền “ảo”. Đồng thời, theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WWF), nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain. Cũng vào năm đó sẽ có những chính phủ thu thuế thông qua công nghệ này.

Mặc dù ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng tới nay hầu như vẫn chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.

Nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận chính sách thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng blockchain trong chiến lược phát triển nền kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp cùng VECOM tổ chức Diễn đàn VBS với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách” vào ngày 8/6 tới ở Hà Nội. Dự kiến đây sẽ là sự kiện thường niên lớn nhất tại Việt Nam về xây dựng chính sách và pháp luật liên quan tới ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động kinh tế.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận tình hình ứng dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam như logistic và hoàn tất đơn hàng, truy xuất nguồn gốc nông sản. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng sẽ trao đổi các vấn đề về xây dựng chính sách và pháp luật và nhiều vấn đề khác như: Việt Nam đang đứng ở đâu và sẽ đứng thứ hạng nào trên thế giới trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain vào hoạt động kinh tế? Các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật đã có sự chuẩn bị như thế nào để khai thác lợi thế của blockchain? Cần có sự phối hợp ra sao giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…?

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, giảng dạy và kinh doanh hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chất lượng, logistic, truy xuất nguồn gốc… sẽ tham gia trình bày và thảo luận nhiều thông điệp mới về blockchain.

“Diễn đàn sẽ bàn mọi vấn đề chính sách để đẩy mạnh ứng dụng blockchain trong mọi ngành kinh tế, nhưng không đề cập sâu đến tài sản ảo, tiền mã hóa”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM lưu ý.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM thông tin về sự kiện sắp diễn ra. Ảnh: Bảo Bình 

Theo kế hoạch, VBS 2018 sẽ có 3 phiên. Trong đó, phiên 1 đề cập nội dung tổng quan về blockchain; Phiên 2 bàn về ứng dụng công nghệ blockchain trong một số lĩnh vực (trong khuôn khổ phiên 2 sẽ có lễ ra mắt Chi hội Blockchain thuộc VECOM); Phiên 3 bàn về chính sách thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng blockchain (có 1 bài tham luận của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, và 1 bài tham luận của đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Dự kiến có khoảng 400 – 500 khách mời tham gia sự kiện này trong đó 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó là đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tượng khác.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Blockchain đang là một trong số 12 trụ cột công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới và tại nhiều nước đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tính năng phổ biến của các lĩnh vực cần Blockchain là: có sự truyền tin không hiệu quả và chi phí cao của tín thác, có nhu cầu mạnh mẽ về xác nhận và thống nhất dữ liệu, có nhu cầu chia sẻ dữ liệu lớn và sức mạnh tính toán cao.

Việc áp dụng công nghệ Blockchain đã bắt đầu phát sinh trong một số lĩnh vực như thanh toán và bù trừ, bảo mật và giải pháp thay thế, chăm sóc sức khoẻ, chuỗi cung ứng nguồn gốc và tài chính, bản quyền, quảng cáo kỹ thuật số và lĩnh vực trò chơi. Nhưng cái liên quan đến Blockchain được nhiều người biết đang nằm ở lĩnh vực giao dịch tiền mã hóa với các đồng tiền như Bitcoin...

 Theo khảo sát mới nhất do Huobi (trụ sở tại Singapore) thực hiện thì hầu hết những người tham gia giao dịch Bitcoin là từ 24-34 tuổi, chiếm 39% trên tổng số. Xếp thứ nhì là lứa tuổi từ 35-44 tuổi chiếm 26%, chiếm 16% tổng số là độ tuổi từ 18-24... Tài sản kỹ thuật số đang dần được quần chúng chấp nhận

Bảo Bình

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống(VietQ.vn) - Hơn 40 diễn giả là chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về trí tuệ nhân tạo (AI) đã chia sẻ những bài giảng, nghiên cứu về lĩnh vực này. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm AI vào trong các lĩnh vực đời sống.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang