'Lối đi' cho nông sản Việt từ việc tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

author 06:30 19/10/2019

(VietQ.vn) - Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là giải pháp giúp nông sản Việt Nam có thể đạt được giá trị tăng cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản nhiệt đới.

Từ năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Hiện tại Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo, đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và các sản phẩm đã có mặt trên gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể nói Việt Nam đang có vị trí ngày càng quan trọng trong thị trường hàng nông sản thế giới.

 Ảnh minh họa.

Mặc dù đạt được một số thành tựu và đang có nhiều lợi thế như vậy, nhưng trong thời gian qua, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh của mình. Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Về thương hiệu thì nông sản Việt Nam được bán ra ngoài thị trường thế giới, có đến 80% thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nói một cách khác, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời đã tham gia ký kết được nhiều FTA, đặc biệt Hiệp định CPTPP và EVFTA, mang lại cơ hội mở rộng thị trường hơn nữa cho những sản phẩm có thế mạnh của mình. Tuy nhiên, các Hiệp định này đều có độ cam kết và mở rộng toàn diện, do đó nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông sản nói riêng đã và đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nông sản chưa đồng đều, việc ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ cao còn hạn chế, đặc biệt là việc liên kết theo chuỗi sản xuất giá trị còn hạn chế. 

Do đó, ông Phòng nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cũng như giúp nông sản Việt Nam có thể đạt được giá trị tăng cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Nông sản Việt dứt khoát phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc (VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa… là chuyện dứt khoát phải bảo đảm đối với nông sản Việt nếu muốn vươn ra thị trường quốc tế.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang