(VietQ.vn) - Hợp tác quốc tế với nhiều hoạt động sôi động và hiệu quả, thúc đẩy hội nhập quốc tế và khu vực theo chiều rộng và chiều sâu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), góp phần đáng kể vào tăng cường năng lực kỹ thuật và trình độ cán bộ tham gia hoạt động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2020 được xem là một năm có nhiều dấu mốc đặc biệt khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Tổ chức Năng suất châu Á (APO), ACCSQ, Đồng Chủ tịch Đối thoại ACCSQ-Mỹ về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp, Đồng Chủ tịch Tiểu ban TBT Hiệp định VKFTA… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội thì hoạt động hợp tác quốc tế vẫn tiếp tục giúp kết nối và duy trì hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và nước ngoài, các phiên họp trực tuyến do Tổng cục TCĐLCL chủ trì và tham gia vẫn được thực hiện một cách hiệu quả.

Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức Năng suất châu Á (APO) lần thứ 62 đã được tổ chức với sự tham gia của Tổng thư ký APO, Ban thư ký APO và đại diện 20 nền kinh tế thành viên. TS. Hà Minh Hiệp - Giám đốc APO thường trực của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và được Hội nghị bầu là Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021.

Là hội nghị cấp cao nhất của APO được tổ chức hàng năm gồm đại diện là Giám đốc APO quốc gia của các nền kinh tế thành viên, Ban Chấp hành quyết định nhiều vấn đề chính sách quan trọng của APO như chính sách về niên liễm, phân bổ ngân sách cho các năm… Hội nghị lần này cũng chào đón thành viên mới gia nhập là Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị đã bầu TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL là Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021. Như vậy, đây cũng là lần thứ hai sau gần 60 năm, Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch APO Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, bối cảnh khi hầu hết các nền kinh tế thành viên đều chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm để APO và các nền kinh tế thành viên cần xây dựng một chiến lược và tầm nhìn mới, rõ ràng, đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng cường các hoạt động năng suất theo tình hình mới để khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19.

Với sự điều hành của tân Chủ tịch APO, Hội nghị đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng bao gồm: Báo cáo tài chính của APO năm 2019, ngân sách của APO giai đoạn 2021-2022, cải cách cơ cấu lương và phúc lợi xã hội cho Ban thư ký APO, hoạt động hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đối phó với dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế, giải thưởng quốc gia và giải thưởng khu vực của APO.

Hội nghị lần thứ 53 Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ) diễn ra trong hai ngày 13-14/7/2020 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị lần này cũng chứng kiến sự chuyển giao vai trò Chủ tịch ACCSQ từ Thái Lan sang Việt Nam. Kể từ nhiệm kỳ 2011-2012, đây là lần tiếp theo Việt Nam đảm nhiệm vị trí này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đại diện cho Việt Nam nhận vai trò Chủ tịch ACCSQ năm 2020 chuyển giao từ Thái Lan.

Có thể nói năm 2020 là cột mốc mang tính bản lề, trong đó, ACCSQ đề ra mục tiêu đạt được các thỏa thuận quan trọng như: MRA ASEAN về ô tô, MRA ASEAN về vật liệu xây dựng, thoả thuận pháp lý về y dược cổ truyền và thực phẩm chức năng, chỉ thị thiết bị y tế. Việc hoàn thành các văn bản trên sẽ góp phần thực hiện Kế hoạch Chiến lược của ACCSQ giai đoạn 2016 – 2025, từ đó hỗ trợ thương mại nội khối đối với các sản phẩm ưu tiên hội nhập của ASEAN.

Một nội dung đặc biệt trong kế hoạch 2020 của ACCSQ là sáng kiến Năm Chủ tịch ASEAN về “Xây dựng lộ trình thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN”. Thông qua sáng kiến này, ACCSQ sẽ kết nối với APO, tổ chức liên chính phủ về năng suất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 21 nền kinh tế thành viên (tính đến năm 2020). Sáng kiến không chỉ mở ra hướng hợp tác mới cho ACCSQ (trước đó ACCSQ chủ yếu hợp tác với các đối tác truyền thống như ISO, IEC, EU, PTB…) mà còn thể hiện nỗ lực lan toả các kết quả làm việc của Uỷ ban nhằm thúc đẩy năng suất chất lượng của ASEAN nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

 
Bà Vũ Thị Tú Quyên - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế đảm nhận vai trò điều hành các phiên họp của ACCSQ trong năm 2020.

Diễn ra trong bối cảnh hoạt động đánh giá sự phù hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Hội nghị WG 2 tiếp tục thảo luận kế hoạch hành động của nhóm nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025 (AEC 2025 Blueprint) với các nội dung chính như: Tăng cường năng lực cho các tổ chức công nhận và đánh giá sự phù hợp cho các nước ASEAN, thúc đẩy việc thừa nhận và chấp nhận giấy chứng nhận và kết quả thử nghiệm của các cơ quan quản lý quốc gia, thông qua hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác của ASEAN như EU, PTB (CHLB Đức).

Hội nghị chia sẻ các tiến bộ trong việc thúc đẩy vai trò công nhận và đánh giá sự phù hợp trong các nước thành viên ASEAN, phối hợp với các nhóm công tác khác của ASEAN để giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh giá sự phù hợp lĩnh vực điện-điện tử, nông nghiệp hữu cơ. Hội nghị cũng bàn thảo về việc triển khai hợp tác trong một số chương trình công nhận – chứng nhận mới như về chống hối lộ, giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động của hàng không…

Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề nghị WG 2 chia sẻ kinh nghiệm đánh giá trực tuyến của các tổ chức công nhận đối với các tổ chức chứng nhận và của các tổ chức chứng nhận đối với doanh nghiệp nhằm thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như thực tiễn của cuộc CMCN 4.0.

Hội nghị lần thứ 38 của Nhóm công tác về đánh giá sự phù hợp thuộc Ủy ban tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng ASEAN (ACCSQ/WG 2) đánh dấu sự chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên. Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về Đánh giá sự phù hợp của ACCSQ – WG 2.

Thiết kế: Doãn Trung

Nội dung: Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang