Lũ lụt miền Trung mới nhất: Nhói lòng vì thêm nhiều người chết và mất tích

authorMạnh Long 09:49 17/12/2016

(VietQ.vn) - Lũ lụt miền Trung diễn biến phức tạp. Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi là những địa phương thiệt hại nặng nề, hiện đang phải oằn mình chống chọi với lũ.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, chiều tối 16/12, lũ trên hầu hết sông ở tỉnh Bình Định đang tiếp tục lên rất nhanh, trên mức báo động 3. Riêng lũ sông Kôn dưới lũ lịch sử năm 2013 chỉ 0,1 m. Bình Định lại có thêm sáu người chết, năm người mất tích, hơn 70.800 ngôi nhà bị ngập, gần 5.000 hộ phải sơ tán. Trong đó, nặng nhất là huyện Tuy Phước có đến hơn 27.500 ngôi nhà bị ngập, gần 1.000 hộ dân phải sơ tán tránh lũ.

Từ 2h sáng 16/12, gia đình chị Trần Thị Thanh Tuyền, khu vực Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn tất bật kê dọn đồ đạc trong nhà để tránh nước.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tình trạng lũ dâng cao, gây ngập nặng xảy ra ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Toàn tỉnh đã có hơn 90 xã bị cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài. Địa phương huy động nhiều lực lượng, tổ chức đi thuyền đến tiếp tế lương thực, mì ăn liền, nước uống… cho người dân đang bị lũ cô lập.

Lũ lụt miền Trung: ''Khúc ruột'' miền Trung oằn mình chống lũ

Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về Ninh Thuận. Ảnh: Báo Pháp luật TP. HCM

Tại Quảng Nam, nhiều xã của huyện Đại Lộc như Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại An, Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Hưng… bị nước lũ bủa vây, có nơi ngập sâu 1,5-2 m khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ. Nước lũ chia cắt tuyến đường ĐT609 tại thị trấn Ái Nghĩa.

Một số xã nằm ven sông Thu Bồn như xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Tiến cũng bị nước ngập chia cắt cục bộ. Tại thị xã Điện Bàn, tuyến đường TL610B dẫn lên các xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung thuộc khu vực Gò Nổi đã bị nước lũ chia cắt từ ngày 15/12.

Toàn bộ phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ sau liên tục hai ngày mưa không ngớt. Sông Hoài nước lên nhanh và chảy xiết. Các bến đò tạm mọc lên xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và du khách bị cô lập. Chợ Hội An hoàn toàn đóng cửa.

Cuối năm, loạt ô tô giá rẻ chỉ từ 288 triệu đồng ồ ạt xuất hiện(VietQ.vn) - Những chiếc ô tô giá rẻ chỉ từ 288 triệu đồng ồ ạt xuất hiện dịp cuối năm khiến người tiêu dùng Việt phấn khởi.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân và du khách tham quan phố cổ trong mùa lũ, thành phố đã ban hành lệnh cấm người dân chèo thuyền chở khách tham quan trong khu vực nguy hiểm.

Cũng trong chiều 16/12, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Lũ lớn lên cao và nhanh, dòng nước chảy xiết. Tỉnh Ninh Thuận cho di dời khoảng 100 hộ dân ở huyện Ninh Hải đến nơi an toàn do dự báo sẽ tiếp tục mưa lớn. Hiện lũ trên sông Cái Phan Rang ở mức báo động 1 và sông Lu ở mức báo động 2. Dung tích của 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 99,6%, hiện có 19/20 hồ xả lũ với lưu lượng 18-89 m3/giây.

Tại Phú Yên, lũ đang cô lập hàng chục xã thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An, thị xã Sông Cầu. Hầu hết tuyến giao thông trọng yếu của các địa phương này đều bị ngập sâu trong nước. Hơn 3.000 hộ ở các địa phương đã sơ tán đi tránh lũ…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Thông tin đăng tải trên báo Nhân Dân, chiều 16/12, trên địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to làm cho mực nước các sông lên trở lại. Một số địa phương đang bị lũ chia cắt, cô lập như huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, một số xã của huyện Tuy An. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, với hàng nghìn mét khối đất đá từ phía núi cao đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Theo ông Đỗ Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, ngay sau khi bị sạt lở, các lực lượng chức năng đã tập trung khắc phục sự cố trên đèo Cổ Mã, Đèo Cả để thông xe. Đến trưa 16/12, các tàu hỏa đã lưu thông bình thường.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh Phú Yên, do mưa lớn kéo dài, không chỉ trên quốc lộ 1A mà nhiều tuyến đường xung yếu trên địa bàn Phú Yên cũng đang xảy ra sự cố sụt trượt nghiêm trọng ảnh hưởng nặng nề đến công tác bảo đảm an toàn giao thông. Tỉnh Phú Yên chỉ đạo huy động toàn bộ lực lượng ứng trực để kịp xử lý.

Trước tình hình mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng, tỉnh Phú Yên phải kết thúc sớm kỳ họp lần thứ 3 HĐND khóa 7 trước thời gian dự kiến để chỉ đạo, tập trung lực lượng khắc phục. Chiều 16/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà đã đi kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện Đông Hòa và một số vùng lũ chia cắt ở huyện Tây Hòa. Tại huyện Tây Hòa, đã có 13 xóm với gần 1.400 dân bị chia cắt do nước lũ, 17 ngôi nhà bị ngập.

Tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, tình hình xả lũ của các hồ thủy điện để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện đến các khu vực xung yếu để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Một số tuyến giao thông ngập trở lại và bị chia cắt nên cần hướng dẫn giao thông, không cho người và phương tiện lưu thông tại những khu vực nguy hiểm...

Trong ba ngày liên tiếp (từ 14 đến 16/12) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa đến mưa to gây lũ lớn trên các sông, gây ngập nặng trên diện rộng trong tỉnh, hàng chục nghìn nhà dân bị chìm sâu trong nước. Đến chiều 16/12, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương di dời khoảng 10 nghìn hộ dân ở vùng ngập sâu trong nước lũ. Tỉnh đã huy động các lực lượng ứng cứu tại chỗ cho hơn 4.000 người.

Ngập lụt nặng nhất tại các huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi đã khiến nhiều khu dân cư trong tỉnh bị chia cắt, cô lập hoàn toàn và hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng bị lũ uy hiếp ngay trong chiều 16/12. Mưa lũ đã làm một người chết, một người bị thương và nhiều nhà bị sập đổ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết, toàn huyện có 12 xã và thị trấn đang bị chìm trong lũ với hơn 8.300 nhà dân bị ngập nước, có nơi ngập sâu hơn hai mét và đã di dời hơn 2.000 hộ với gần 8.500 người đến nơi cao ráo tránh lũ. Tại TP Quảng Ngãi đã có hơn 5.000 nhà dân bị ngập nước. Chính quyền địa phương các cấp đang khẩn trương huy động các phương tiện và lực lượng tại chỗ để cứu hộ người dân bị lũ uy hiếp.

Đến chiều 16/12, huyện đã khẩn cấp di dời hơn 2.500 hộ dân ra khỏi vùng bị lũ uy hiếp. Tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, các lực lượng công an, huyện đội, dân quân, du kích và thanh niên xung kích đang tập trung di dời hàng trăm hộ dân ở vùng ngập sâu. Trung tá Trần Thanh Phúc, Tham mưu trưởng - Ban Chỉ huy quân sự huyện Mộ Đức trao đổi với báo Nhân Dân: “Từ hôm qua đến nay, đã cứu hơn 100 hộ dân vùng ngập sâu, do các lực lượng dân quân không có phương tiện để đưa dân đến nơi an toàn”.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký Công điện chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực, biện pháp hỗ trợ nhân dân vùng ngập, tổ chức lực lượng chốt chặn tại các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết và tuyệt đối không cho người dân qua lại vùng này để bảo đảm an toàn, cắm các biển cảnh báo nguy hiểm tại các vùng sạt lở núi để cảnh báo người dân…

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang