Lũ lụt và hàng loạt bệnh nguy hiểm dễ mắc, làm thế nào để tránh?

author 11:38 13/10/2017

(VietQ.vn) - Lũ lụt khiến môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng đây là điều kiện để vi khuẩn hay mầm bệnh “tấn công” người dân.

Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng- Viện Dinh dưỡng) thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, khi lũ lụt các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập. vì vậy, các chất thải của người, gia súc, xác động thực vật làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Hơn nữa, ngay trong và sau mùa lũ lụt một số vùng bị ngập, thậm chí bị cô lập nguồn lương thực và thực phẩm bị mất, cuốn trôi việc cung cấp lương thực thực phẩm bị hạn chế. Lương thực thực phẩm bị thiếu, môi trường bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sinh hoạt, chưa có đủ điều kiện ăn chín uống sôi, sức đề kháng suy giảm, vì vậy người dân rất dễ mắc một số bệnh về dinh dưỡng ngay trong và sau lũ.

Bệnh đường ruột

Trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Thời điểm này bệnh về đường ruột như tiểu chảy do vi khuẩn tả gây nên thường tăng lên đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm.

 Lũ lụt đang hoành hành khắp miền Bắc người dân nên cẩn thận kẻo dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh: Tuổi Trẻ

 Lũ lụt đang hoành hành khắp miền Bắc người dân nên cẩn thận kẻo dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bệnh nước ăn chân

Bệnh này hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, môi trường ẩm ướt, mang giầy tất bít kín mà không thay giặt thường xuyên. Bệnh có thể biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân.

Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, nếu bị bội nhiễm có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ…

Bệnh ghẻ

Tác nhân gây bệnh là con cái ghẻ Sarcoptes scabiei. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng. Bệnh có phổ biến vào mùa lũ, khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh. Triệu chứng của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi.

Mẩn ngứa

Sau mưa lũ, các bệnh mẩn ngứa sẽ tấn công trẻ nhỏ - đối tượng sở hữu làn da mỏng và nhạy cảm. Ở một số trẻ, bệnh diễn biến trở thành mãn tính thường do không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nóng ẩm lưu đậu trong cơ thể, dẫn tới huyết hư thương tổn âm, hoá khô sinh phong, gió khô nóng ẩm uất kết, da mất nuôi dưỡng.

Bệnh đau mắt đỏ

Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu tắm rửa, nhất là rửa mặt bằng nguồn nước này thì mắc đau mắt đỏ là điều khó tránh. Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virus Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn rất sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh.

Lũ lụt cũng có nguy cơ gây đau mắt đỏ do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ảnh minh họa

Lũ lụt cũng có nguy cơ gây đau mắt đỏ do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ảnh minh họa 

Để phòng tránh các bệnh trên, nhất là trong ăn uống, theo BS. Nguyễn Văn Tiến, khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn cần làm trong bằng phèn chua. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B hoặc clorua vôi. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

Thực hiện tách riêng biệt thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác trong chế biến và bảo quản, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền: hoa quả, bún, nộm, giò chả. Sử dụng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp.

Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi đụng vào.

Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang