Lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực tiếp nhận

author 16:43 28/08/2014

(VietQ.vn) - Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam luôn hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm mục đích rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là chia sẻ của Ths. Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia tại buổi hội thảo: Hướng dẫn phương thức lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực tiếp nhận công nghệ tại Việt Nam.

Dựa vào năng lực tiếp nhận để mua công nghệ phù hợp

Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm cụ thể. Ở các nước đang phát triển, nguồn thu công nghệ chủ yếu là từ các trường đại học và các tổ chức R&D (Tổ chức nghiên cứu và phát triển).

Mục tiêu chuyển giao công nghệ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là giành được công nghệ để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế.

Bà Lê Thị Khánh Vân cho biết: “Có rất nhiều cách để chuyển giao công nghệ, nhưng chúng ta cần có phương thức lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng tiếp nhận của Việt Nam để đạt được hiệu quả cao nhất”.

Hiện nay trên thế giới đang phổ biến các phương thức chuyển giao công nghệ phổ biến như Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ (Patent); Chuyển nhượng quyền sử dụng công nghệ (hợp đồng Li - xăng); Nhập khẩu trọn gói cả bí quyết và công nghệ; Tiếp nhận và hợp nhất công nghệ (M&A) của công ty công nghệ cao.

Đặc biệt, chúng ta không nên áp dụng phương thức Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ, vì phương thức này đem lại chi phí cao, rủi ro cao và thu hồi vốn ban đầu rất lâu. Phương thức Tiếp nhận và hợp nhất công nghệ của các công ty công nghệ cao có nhiều ưu điểm nổi bật và phù hợp với nền khoa học của Việt Nam. Cách này thuận lợi khi bước vào thị trường mới và rất hữu ích khi tốc độ phát triển công nghệ nhanh hoặc sản phẩm có vòng đời ngắn. Tuy nhiên, phương thức này cũng gặp phải khó khăn trong việc đánh giá công nghệ và giá trị của công ty.

Theo một số chuyên gia, khi chuyển giao công nghệ, chúng ta cần lưu ý tới việc nhận tài liệu kỹ thuật để đánh giá và học hỏi công nghệ ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cũng cần mời các kỹ sư có kinh nghiệm để hướng dẫn nhận doanh nghiệp được kiến thức ngầm (tri thức ẩn) từ tài liệu.

Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển cao công nghệ là năng lực tiếp nhận công nghệ. Người mua công nghệ cần phải có năng lực tiếp thu công nghệ để nhập và sử dụng công nghệ. Năng lực tiếp thu công nghệ không chỉ bao gồm khả năng đồng hoá công nghệ hiện có để bắt chước mà còn phải có khả năng tạo ra công nghệ mới để phát triển, đổi mới.

Lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực tiếp nhận

Người mua công nghệ cần phải có năng lực tiếp thu công nghệ để nhập và sử dụng công nghệ. Ảnh minh họa

Tuân thủ quy trình nhập khẩu công nghệ

Có 6 bước trong quy trình nhập khẩu công nghệ mà người mua công nghệ cần phải quan tâm và tuân thủ đúng để có thể áp dụng công nghệ phù hợp, tạo ra sản phẩm cụ thể.

Đầu tiên, cần xác định công nghệ phù hợp với thực tiễn để có thể phát triển công nghệ này bằng nỗ lực của mình, đầu tiên cần làm rõ nhu cầu nhập khẩu công nghệ. Tiếp theo là tìm kiếm và lựa chọn công nghệ thích hợp. Bước này đòi hỏi phải lập danh sách các nhà nắm giữ công nghệ trong đó cần có bên tham gia thứ ba (chuyên gia tư vấn tiếp xúc với các nhà nắm giữ công nghệ ).

Các bước tiếp theo của quy trình nhập khẩu là thẩm định công nghệ mục tiêu; đánh giá chi phí nhập khẩu và tính khả thi kinh doanh; ra quyết định để đàm phán; thỏa thuận hợp đồng và làm theo hợp đồng.

Để có phương thức lựa chọn công nghệ thích hợp với năng lực tiếp nhận của Việt Nam, bắt buộc phải tìm kiếm thông tin công nghệ mục tiêu từ nhiều nguồn (các nhà cung cấp công nghệ khác nhau), và phân tích từng đặc tính cơ bản của công nghệ  như: Nguyên liệu đầu vào; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa của công nghệ; Tính mới của công nghệ; Tuổi thọ của công nghệ; Nguy cơ cạnh tranh của các công nghệ tương tự.

Thạc sĩ Lê Thị Khánh Vân khẳng định: “Bước cuối cùng trong việc lựa chọn công nghệ thích hợp là quan tâm tới giá của công nghệ và điều kiện để chuyển giao công nghệ. Nếu giá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thì khi áp dụng vào thực tiễn, mới có thể thu hồi vốn và tạo lãi suất cao”.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang