Lừa đảo mua bán tiền đô la cổ

author 08:01 18/05/2013

Trong quá trình điều tra vụ án, các trinh sát, điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự (C45) đặc biệt quan tâm đến việc mua bán tiền đô la cổ của vợ chồng Tú - Bình. Tuy nhiên, qua đấu tranh khai thác, theo các điều tra viên cho biết, đến nay, Nguyễn Mậu Tú đã thừa nhận và khai về hành vi lừa đảo của mình.

Theo lời khai của Tú, thực ra, anh ta không hề biết gì về thùng di sản đựng 3 nghìn tỷ USD nói trên. Vì đang bí tiền để theo đuổi các dự án trồng rừng nên nhân việc mua được tập tiền USD có mệnh giá cao của một bà đồng nát với giá 500 ngàn đồng, anh ta đã nghĩ ra trò lừa đảo mới. Đó là lên mạng Internet, kéo ảnh về thùng di sản có chứa 3 nghìn tỷ USD. Tấm ảnh này được các đối tượng chụp rất khéo, kèm một tờ báo Tuổi trẻ và tờ lịch trùng ngày để chứng tỏ rằng thùng di sản trên có thật ở Việt Nam.

Cảnh sát kiểm tra các giấy tờ liên quan vụ việc

Sau đó, Tú mang tập tiền mua đồng nát giao cho ông Nguyễn Ngọc Hoan, trú tại quận Đống Đa, yêu cầu ông này đi kiểm tra thật, giả và tìm người bán. Ông Hoan lại tìm tiếp đến một người nữa, biết nhiều về vấn đề tài chính là Nguyễn Hoạch Trúc Sinh. Không ngờ, Sinh lại đang vay nợ và bị nhóm côn đồ do Tuấn “bạc” bắt giữ trái phép luật. Sau đó, tập tiền bị cơ quan Công an thu giữ.

Nhân việc này, vợ chồng Tú - Bình ép ông Hoan phải đền tập tiền trên bằng cách thu của ông Hoan 16 triệu đồng, ép mang sổ đỏ vay nợ 300 triệu đồng đưa cho Tú. Sau đó, bọn chúng lại mách nước cho ông Hoan đi tìm khách để mua thùng di sản trên. Mục đích để thể hiện tập tiền đã giao cho ông Hoan có giá trị cao để tiếp tục bắt ép ông Hoan bán nhà trả nợ cho bọn chúng.

Tìm hiểu về vấn đề mua bán tiền USD cổ mệnh giá cao hiện nay, chúng tôi nhận ra có một tảng băng ngầm về vấn đề này. Hiện vẫn có những nhóm người đang ngấm ngầm trao đổi với nhau về việc mua bán tiền USD cổ nói trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và đánh giá của chúng tôi, đa số đó là những cái bẫy lừa đảo kiểu như vợ chồng Tú- Bình.

Bởi chúng dựa vào những thông tin được đăng tải trên một số trang web. Chẳng hạn, trên trang Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) có đưa rằng, cũng có thời gian tiền Hoa Kỳ gồm có một số loại mệnh giá lớn. Các đơn vị tiền lớn đã được phát hành gồm có 500 USD, 1.000USD, 5.000USD, 10.000USD và 100.000USD. Tiền giấy trên 100 USD không còn được in nữa sau 1946 và đã chính thức ngưng lưu hành trong năm1969. Những tờ tiền giấy này thường được dùng bởi các ngân hàng để trao đổi với nhau hay bởi các thành phần tội phạm có tổ chức (vì lẽ này mà tổng thốngRichard Nixonđã đưa ra lệnh ngừng lưu hành). Sau khi việc trao đổi tiền điện tử được ra đời, chúng trở thành dư thừa...

Một số thông tin lại cho biết, vào thời Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, có mang sang Việt Nam một số thùng tiền cổ trên, sau đó các thùng này đã bị lưu lạc trong dân gian. Hiện Chính phủ Mỹ đang có chủ trương mua lại các thùng tiền này với giá trị cao. Chính vì dựa vào các thông tin này nên rất nhiều đối tượng đã bày ra các trò lừa đảo mua bán tiền USD cổ.

Chẳng hạn như vợ chồng Tú - Bình, mục đích của chúng là lừa đảo theo 2 phương thức: đưa tiền để người bị hại kiểm tra xem đúng hay sai rồi tìm cách để người đó bị mất tập tiền trên nhằm bắt đền một lượng tiền lớn (như trường hợp của ông Hoan); hoặc lừa đảo người mua trung gian nào đó để lấy tiền đặt cọc (chúng đang dụ ông Hoan đi tìm người mua để lấy tiền đặt cọc nhưng chưa thành).

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cục C45 còn nhận được một số đơn thư tố cáo một chiêu trò mới liên quan đến việc thu mua tiền USD cổ nói trên. Lá đơn trên cho biết, hiện có một nhóm người đang quảng cáo rằng hiện Nhà nước ta đang có dự án thu gom tiền trôi nổi của các nước khác ở Việt Nam để trả lại cho các nước và hưởng triết khấu 30% trên số tiền thu gom được. Họ đang biết ở Việt Nam có 17 kho lưu trữ ngoại tệ đang được canh giữ từ thời chiến tranh để mua súng đạn và phục vụ chiến tranh. Tổng các kho đó ước tính hàng trăm nghìn tỷ USD, bây giờ chỉ việc lo liệu thủ tục, giấy tờ để lấy kho ngoại tệ đó. Nhóm người này đã dụ dỗ những người nhẹ dạ tham gia bằng cách chuyển tiền qua ngân hàng cho họ để phục vụ việc họ ăn ở, đi lại thực hiện công việc xử lý lấy kho tiền. Họ hứa hẹn khi xong việc sẽ trả công thích đáng cho những người đóng góp hỗ trợ dự án, số tiền hứa trả công bằng miệng này lên tới cả triệu USD nên dễ khiến người khác nảy sinh lòng tham.

Để tăng thêm sức nặng cho lời nói của mình, nhóm người này đã gửi cho các bị hại một số hình ảnh qua mail và nói đó là hình ảnh chụp các kho tiền và tiền mặt trong kho đó. Tin lời nhóm người này, đã có một số người dân gửi hàng trăm triệu cho chúng. Đến nay, vẫn chẳng thấy kho tiền nào cả. Theo một số bức ảnh chúng tôi được xem do nhóm người này chuyển đến, đã thấy có sự bịp bợm.

Chẳng hạn, họ quảng cáo các kho tiền này thất lạc từ thời chiến tranh, nhưng tờ tiền lại in sản xuất năm 2006 (?). Hay kiểm tra kỹ thuật của bức ảnh này, rõ ràng thấy đó là ảnh được tạo ra từ phần mềm photoshop chứ không phải là ảnh chụp thật…         

Hiện nay, Cục C45 đang tiến hành xác minh, điều tra về các vụ việc trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số đơn vị nghiệp vụ phụ trách về an ninh tiền tệ, được biết, tất cả những trò này đều là bịp bợm, nhằm mục đích lừa đảo mà thôi. Đề nghị mọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đừng sa vào bẫy lừa của các đối tượng mà mất tiền oan.

Thêm một nạn nhân tố cáo bị vợ chồng Tú- Bình lừa đảo hơn 2 tỷ đồng
 
Chiều 15/5, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cơ quan CSĐT - Bộ Công an đối với 2 bị can: Nguyễn Mậu Tú, 59 tuổi và Nguyễn Thủy Bình, 45 tuổi, cùng trú tại Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là 2 vợ chồng đã có hành vi lừa đảo ông Nguyễn Văn Hoan, tại quận Đống Đa (Hà Nội) về chuyện mua bán tiền USD cổ có mệnh giá cao, nhằm chiếm tài sản của ông này.
 
Theo lời khai của Tú, anh ta muốn lừa đảo tiền của ông Hoan để dùng vào mục đích đi tìm, làm các dự án trồng rừng. Bởi trước đó, anh ta đã mắc vào việc theo đuổi một số dự án trồng rừng “ảo” và đã trót lừa, lấy tiền của người khác. Cụ thể, một nạn nhân bị vợ chồng Tú - Bình lừa đảo bằng hình thức vẽ ra dự án trồng rừng đã làm đơn tố cáo gửi Cục C45. Đó là bà Trần Thị K., tạm trú tại quận Đống Đa (Hà Nội).
 
Bà K. cho biết, vào tháng 3/2012, thông qua Nguyễn Thủy Bình và Nguyễn Thị Hồng Vinh, bà K. được tư vấn về việc đầu tư vào những việc liên quan đến dự án trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường. Theo các đối tượng tư vấn, đây là dự án do các tổ chức nước ngoài đầu tư với số tiền rất cao, nếu bà K. đóng tiền thì sẽ được chia diện tích rừng hợp lý, từ đó sẽ được hưởng mức hoa hồng rất cao trên diện tích rừng.
 
Nghe lời dụ dỗ của các đối tượng, bà K. đã dồn hết tiền nhà và huy đồng mọi người quen biết tổng số tiền 2 tỷ 480 triệu đồng đưa cho Bình - Tú (sau đó có nhận lại 75 triệu đồng). Với số tiền đó, Bình đã đồng ý trả tương ứng với 472 nghìn ha rừng ở khu vực miền Trung và miền Nam.
 
Theo bà K. trình bày, khi tư vấn, Bình có nói với bà K. là 20 ngày sau sẽ có tiền hoa hồng. Thế nên, bà K. và mọi người đã phải đi vay với lãi suất cao. Sau nhiều lần hứa hẹn, vợ chồng Tú - Bình đã không trả được nợ cho bà K. Và bà choáng váng khi biết vợ chồng chúng đã bị lực lượng Công an bắt trong một trò lừa đảo khác.

T.Hoa/CAND

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang