Luật đấu thầu mới: Loại nhà thầu ngoại kém năng lực

author 10:16 01/05/2014

(VietQ.vn) - Tình trạng nhà thầu Trung Quốc yếu kém, chậm tiến độ, đội giá…đang khiến Việt Nam rơi vào mối nguy do phụ thuộc quá lớn vào nhà thầu nước ngoài.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Để khắc phục tình trạng trên Luật Đấu thầu mới thay vì ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp nhất như trước đây lại coi những quy định về kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm là những yếu tố được chú trọng đầu tiên.

Theo thống kê từ Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) hiện nay về nhiệt điện nhà thầu Trung Quốc có 16/27 dự án làm tổng thầu, 49/62 dự án về xi măng, tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, và nhiều dự án về giao thông…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ rõ: “Cũng vì Luật Đấu thầu cũ (Luật Đấu thầu năm 2005) quá phụ thuộc vào yếu tố giá bỏ thầu, trong khi nói về giá thì cả Thế giới phải thua Trung Quốc nên không thiếu những trường hợp nhà thầu đi thuê người làm hồ sơ, lấy tiền tạm ứng rồi bỏ chạy, khiến cho nhiều dự án lình sình trong dư luận. Đây chính là kẽ hở trong hệ thống Luật Đấu thầu của chúng ta. Thông thường các nhà thầu Trung Quốc ra giá thầu thấp hơn giá chuẩn từ 20-30%”.

Luật đấu thầu mới sẽ tạo điều kiện nhà thầu nội có năng lực đảm nhận công trình trọng điểm. Ảnh minh họa

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) đã đưa ra những giải pháp để loại nhà thầu có năng lực yếu nhưng chào giá thấp để trúng thầu. Theo đó, cơ hội cho các nhà thầu nội là rất nhiều.

Một trong những điểm nổi bật trong Luật nhằm tạo ra sự minh bạch trong đấu thầu là cho phép áp dụng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, nghĩa là túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được đánh giá trước và nhà thầu nào đáp ứng về kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật chất lượng thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để cùng so sánh.

“Trước đây, chúng ta mở cùng lúc túi về tài chính cũng như túi về kỹ thuật. Trong trường hợp thì nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp thì tổ chuyên gia lúng túng. Còn lần này, không bóc túi tài chính nên không biết giá chào thầu cao hay thấp, tổ chuyên gia sẽ làm việc khách quan”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ.

Luật mới cũng “cộng điểm” uy tín nhà thầu. Nhà thầu nào có năng lực, kinh nghiệm và uy tín sẽ có điều kiện trúng thầu hơn so với nhà thầu chỉ lo bỏ giá thấp. Theo ông Tăng, những điều kiện mới trên sẽ giúp hạn chế phần nào lợi ích nhóm, tình trạng “đi đêm”, “quân xanh, quân đỏ” để lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự.

Cùng với đó, Luật Đấu thầu mới còn ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu. Nếu cố tình chọn những nhà thầu yếu, tổ chấm thầu sẽ bị xử lý theo luật định. Tuy nhiên ông Tăng vẫn trăn trở: “Luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Nhưng vấn đề là những người thực hiện có đủ dũng cảm để loại hay không? Hay lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác…?”. Ông Tăng cho rằng, để quá trình chấm thầu công bằng, minh bạch còn cần thêm  yếu tố con người.

Theo quy định mới, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng cũng được hy vọng sẽ giúp loại nhà thầu yếu kém và cạnh tranh bằng giá do hình thức này sẽ giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia.

Điều 14, Luật Đấu thầu mới cũng quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”. Đây chính là điểm ưu tiên cho các nhà thầu nội, tránh hiện tượng nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu mang toàn bộ nhân lực, máy móc, vật tư, nhân lực… sang Việt Nam để thực hiện gói thầu.

Nhận định về Luật đấu thầu mới, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, Đây là bước tiến mà các nhà thầu Việt Nam đang mong đợi: “Cũng không hy vọng Luật Đấu thầu mới sẽ giải quyết được toàn bộ những trục trặc nhưng tôi cho rằng sẽ phần nào giảm những bất cập và lợi ích nhóm”.

Tuy vậy, để nắm bắt được cơ hội mới, các nhà thầu Việt Nam cần phải đổi mới. Bản thân ngành xây dựng cũng phải đổi mới, tái cơ cấu TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần một đội ngũ nhân sự ít nhưng chuyên nghiệp, tính giá thầu giỏi. Việt Nam cũng phải có những DN chuyên cho thuê lao động, máy móc thi công chuyên dụng…Ngoài ra, Nhà nước cũng cần  có thời gian cho các nhà thầu “học việc” thì sau mới cạnh tranh được, chứ 7-8 tuổi thì làm sao cạnh tranh với “anh thanh niên” ngay được. Chúng ta cũng không nên hiểu từ “cạnh tranh” một cách máy móc, đơn giản quá”, ông Liêm khuyến cáo.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang