Luật sư đặt nghi vấn nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường chưa chết

author 08:43 15/01/2014

"Muốn xử Tường phải chứng minh được chị Huyền đã chết, biết đâu nạn nhân chưa chết, mà đang ở một nơi nào đó thì sao?", một luật sư phân tích.

Đã hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ án bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết, phi tang xác chị Lê Thị Thanh Huyền ở Hàng Thiếc, Hà Nội - khách hàng sử dụng dịch vụ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Giải Phóng, Hà Nội), quá trình điều tra của cơ quan chức năng và sự nỗ lực tìm xác của gia đình nạn nhân chưa đem lại kết quả. 

Việc tìm thấy xác chị Huyền không chỉ làm dịu tinh thần người nhà nạn nhân, mà đó còn là cơ sở để xét xử Tường trước pháp luật.
 

“Muốn xử Tường phải chứng minh chị Huyền đã chết”

Hầu hết các luật sư được hỏi đều nói rằng, những dấu hiệu và kết quả điều tra cho thấy đây là vụ án hình sự vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. 

Căn cứ theo quy định của pháp luật, của Bộ Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, nếu không tìm được xác nạn nhân thì khó có thể đưa Nguyễn Mạnh Tường ra truy tố, xét xử về tội danh “giết người”.

 

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội): “Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với luật hình sự quốc tế cũng phải bó tay trong trường hợp này. Luật hình sự của Liên hợp quốc đang sử dụng cũng phải xét xử dựa trên hậu quả để lại. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự. Giờ không chứng minh được hậu quả đó thì đồng nghĩa với việc không đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của người ta”, luật sư Tiến nói.

Cùng ý kiến với luật sư Tiến, luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Trường Sa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng khẳng định, những dấu hiệu và kết quả điều tra cho thấy đây là vụ án hình sự vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. 

Cá nhân luật sư Đức cũng đồng ý với sự phân tích của nhiều luật sư khác, trong đó đều cho rằng tìm thấy xác chị Huyền là mấu chốt của vấn đề, nếu không vụ việc rất dễ đi đến bế tắc. 

Bởi pháp luật hiện hành quy định xét xử phải dựa trên hậu quả để lại, phải lấy hậu quả làm căn cứ. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự. Giờ không chứng minh được hậu quả đó thì đồng nghĩa với việc không đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh Tường, luật sư Đức cho biết. 

Luật sư Đức khẳng định thêm lần nữa, nếu không tìm được xác chị Huyền thì không thể truy tố xét xử Nguyễn Mạnh Tường ở bất kỳ tội danh nào.

Cho đến nay, cơ quan chức năng mới thu thập được lời khai của Nguyễn Mạnh Tường và những người liên quan đến vụ việc. Trong khi đó, xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy để đối chứng với lời khai của Tường. Do đó, các luật sư cho rằng chỉ dựa vào lời khai của Tường và những người có liên quan thì không đủ căn cứ để đưa Tường ra xét xử.

"Muốn xử Tường phải chứng minh được chị Huyền đã chết. Nhưng biết đâu chị Huyền chưa chết, mà đang ở một nơi nào đó thì sao?", luật sư Đức lý giải thêm.

“Tội ác rành rành, lẽ nào bỏ lọt tội phạm?”


Khi nghe được những phân tích của các luật sư về khả năng Nguyễn Mạnh Tường sẽ được thả tự do, người thân chị Huyền vô cùng bức xúc. Trả lời báo ĐS&PL, ông Phạm Đức Quang, chú ruột chồng chị Huyền cho biết, tội ác của tên Tường đã rành rành ra đó, hắn cũng đã khai nhận đầy đủ sự việc, thực nghiệm hiện trường. Tội ác của Tường khiến cả xã hội phẫn nộ, lẽ nào chỉ vì không tìm thấy xác nạn nhân mà bỏ lọt tội danh cho Tường?

"Huyền mất và hành động ném xác phi tang của Nguyễn Mạnh Tường đã làm toàn xã hội phẫn nộ. Không chỉ người thân, những người có tâm, có đức trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài khi biết sự việc cũng rất phẫn nộ về tội ác của Tường. Đây không phải là việc cầm dao giết người mà là chuyện làm việc không được cấp phép. Chỉ vì đồng tiền mà hắn cứ lao vào, không cần lo lắng đến hậu quả", ông Quang nói thêm.

Về vụ việc này, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng, Nguyễn Mạnh Tường vẫn có thể đưa ra xét xử kể cả trong trường hợp không tìm thấy xác chị Huyền.

Khi đó, Tường sẽ bị xét xử về tội vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác, còn hành vi phi tang xác xuống sông là tình tiết tăng nặng.

Theo phân tích của ông Khiển, trong trường hợp tìm được xác của chị Huyền sẽ xảy ra hai vấn đề. Thứ nhất, trong phổi có nước hoặc bùn thì Nguyễn Mạnh Tường phạm tội giết người, tức là chị Huyền bị ném xuống sông khi vẫn còn sống.

Trường hợp không thấy có dấu hiệu bất thường trong phổi, cơ quan chức năng vẫn truy tố tội danh vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác.

 


 

Theo VTC News

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang