Luật sư mổ xẻ trách nhiệm Vietinbank ở đại án Huỳnh Thị Huyền Như

author 08:35 15/01/2014

Hôm qua, tại phiên xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, các luật sư tiếp tục mổ xẻ vai trò của lãnh đạo Vietinbank ở đâu khi để Huyền Như phạm tội kéo dài, chiếm đoạt số tiền “khủng”.

Vai trò của Vietinbank ở đâu?

Phiên tranh tụng, các luật sư Phạm Thanh Khương, Nguyễn Đăng Trừng, Phan Trung Hiếu, Đỗ Hải Bình, Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho các bị cáo là nhân viên của Vietinbank bị truy tố vì hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh của các bị cáo.

Họ cho rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Vietinbank vẫn cho rằng đơn vị này không bị thiệt hại gì về tài sản. Do vậy, không đủ căn cứ cáo buộc các bị cáo này phạm tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Riêng luật sư Nguyễn Đăng Trừng nêu lập luận, việc giải quyết vấn đề cho vay và tín dụng của ngân hàng bao gồm 4 khâu, thân chủ của ông Trừng là bị cáo Bùi Ngọc Quyên thực hiện 2 khâu kiểm tra tài sản thế chấp và giám sát tài sản thế chấp đã được nhập kho chưa. Quyên không có trách nhiệm duyệt hồ sơ cho vay, khi Quyên phát hiện hồ sơ thiếu chữ ký của khách hàng nên đã báo với Trưởng phòng Huyền Như và Như khẳng định sẽ đi lấy chữ ký.

Ông Trừng đặt vấn đề, vai trò của lãnh đạo Vietinbank ở đâu khi quá trình phạm tội của Huyền Như kéo dài hơn một năm rưỡi và số tiền Như lừa đảo và chiếm đoạt lên tới 4.000 tỷ đồng mà Vietinbank nhiều lần thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra.

Luật sư Trừng cũng khẳng định, động cơ dẫn đến sai phạm của Quyên không phải giúp cho Huyền Như mà giúp cho Vietinbank huy động vốn. Bởi vậy, đề nghị HĐXX xem xét Quyên không phạm tội.

Phản biện luận tội của công tố viên

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho bị cáo Hoàng Hương Giang - bị đề nghị 10-12 năm tù) đưa ra một tình tiết được cho là chưa chính xác trong cáo trạng và trong phần đề nghị của công tố viên. Theo luật sư này, cáo trạng của Viện KSNDTC và lời luận tội của Viện KSND TPHCM đều khẳng định Giang có trách nhiệm kiểm tra các nội dung trên hợp đồng, chữ ký, phương thức giải ngân và thực hiện việc giải ngân.

Theo đó, ngày 12/5/2011, Giang tiếp nhận 4 bộ hồ sơ vay số tiền 20 tỷ đồng tài sản đảm bảo là 4 thẻ tiết kiệm mang tên Huỳnh Linh Chi, nhân viên Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, theo luật sư thì nhóm nhân viên ACB liên quan đến vụ án không có ai tên Huỳnh Linh Chi. Vì thế, phía công tố cần phải làm rõ hơn việc này trong phần đối đáp công khai tại tòa. Luật sư Thi cũng đề nghị HĐXX xem xét vì Giang non kém nghiệp vụ, đang nuôi con nhỏ...

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lành (nguyên GĐ Cty CP Đầu tư Phương Đông) cho rằng, ở Cty Phương Đông (Cty do Huỳnh Thị Huyền Như lập ra - PV), Lành không góp vốn, không được hưởng lợi gì, đây chỉ là nơi để Như dùng để chuyển tiền đến và đi, như dạng Cty ma. Lành bị cáo buộc cho Như “vay nặng lãi” số tiền gốc là trên 7.800 tỷ đồng (lãi suất 0,4-2%/ngày). Sau đó, Như đã trả cho Lành tổng cộng cả gốc lẫn lãi là trên 9.000 tỷ đồng, chênh lệch giữa số tiền Như vay và trả cho Lành là trên 1.186 tỷ đồng.

Luật sư cho rằng, khoản tiền Lành cho Như vay và số tiền Lành thu lời bất chính là căn cứ chủ yếu trên lời khai của Như nên không khách quan. Trong khi đó, khi vụ án xảy ra, Lành hoàn toàn không còn lưu lại các khoản giao dịch, đã bị mất sổ theo dõi, và do đó không có bản gốc để đối chiếu, so sánh. Luật sư này cũng phủ nhận các cáo buộc đối với thân chủ của mình liên quan đến hành vi đe dọa, gây sức ép với bị cáo Như liên quan để đòi nợ...

Theo TP

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang