Vụ án bệnh nhân chạy thận tử vong: Luật sư nhận định về vi phạm đấu thầu

author 18:30 18/05/2018

(VietQ.vn) - Trong ngày thứ 3 xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình, các luật sư đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bệnh viên và công ty Thiên Sơn.

Trong đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc) Công ty Trâm Anh - đơn vị được thuê súc rửa hệ thống lọc nước RO để đưa vào chạy thận cho các bệnh nhân tại BV Đa khoa Hòa Bình, Quốc cũng thừa nhận, không biết việc Công ty Thiên Sơn bán lại 100% gói thầu cho mình là vi phạm Luật Đấu thầu (theo đúng quy định, không được bán cho nhà thầu phụ quá 10% gói thầu).

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn), Ths - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội) cho rằng, việc ký kết hợp đồng chạy thận giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là gói thầu riêng, khác với hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại đơn nguyên thận nhân tạo. Đối với hợp đồng này sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước này thì phía Công ty Thiên Sơn đã không thực hiện mà “bán thầu” cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là Giám đốc. Và theo bị cáo Quốc thì Công ty Thiên Sơn bán lại cho Công ty Trâm Anh 100% gói thầu.

Luật sư nói gì về việc vi phạm đấu thầu trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình

 Ths - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội).

Theo quy định tại khoản 35, 36 Điều 4 Luật đấu thầu thì Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Nhà thầu chính muốn sử dụng Nhà thầu phụ thì phải được sự đồng ý của Chủ đầu tư. Nhà thầu phụ chịu trách nhiệm với nội dung công việc mình ký trong hợp đồng với Nhà thầu chính. Nhà thầu chính chịu trách nhiệm với Chủ đầu tư cả phần việc mình thực hiện lẫn phần việc do Thầu phụ của mình thực hiện. Chủ đầu tư và Nhà thầu phụ về nguyên tắc không có liên hệ trách nhiệm trực tiếp.

Luật sư nói gì về việc vi phạm đấu thầu trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình

 Toàn cảnh phiên xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình. Ảnh VTC.

Hiện nay, không có bất kỳ văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về mức phần trăm tối đa mà nhà thầu chính được giao cho nhà thầu phụ, mức giao bao nhiêu còn phụ thuộc vào năng lực của nhà thầu phụ và sự thỏa thuận của các bên và các văn bản pháp luật cụ thể có liên quan đến từng lĩnh vực. Tuy nhiên, toàn bộ trách nhiệm về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, môi trường, … đều do nhà thầu chính/ tổng thầu chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư.

Còn Chuyển nhượng thầu có nghĩa là Nhà thầu bán toàn bộ công việc gói thầu của mình cho đơn vị khác, người khác thực hiện mà không còn trách nhiệm gì với Chủ đầu tư. Chuyển nhượng thầu là hành vi bị giới hạn.

Theo khoản 8 Điều 89 Luật đấu thầu quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là: Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Do đó cần xem xét xem hợp đồng của Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh là hợp đồng của nhà thầu phụ được chủ đầu tư đồng ý hay là Công ty Thiên Sơn tự ý chuyển nhượng thầu.

Theo quy định pháp luật thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang