Lùi thời hạn sử dụng vắc xin mới ComBe Five thêm 2 tháng trên toàn quốc

author 11:31 27/04/2018

(VietQ.vn) - Theo thông tin mới nhất từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW việc thay thế vắc xin Quinvaxem sang vắc xin ComBe Five sẽ được lùi đến tháng 8/2018.

Theo Môi trường và cuộc sống đưa tin, bà Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vắc xin mới ComBe FIVE sẽ được triển khai trên quy mô nhỏ ở 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp vào tháng 6, triển khai trên toàn quốc vào tháng 8/2018.

Giải thích về việc lùi thời gian, bà Hồng cho biết, việc thay đổi thời gian là để bên cung ứng vắc xin có đủ thời gian dán nhãn, làm các thủ tục hành chính, thủ tục thông quan. Cùng với đó, phía Việt Nam cũng có thêm thời gian để kiểm định kỹ lưỡng loại vắc xin mới này.

Lùi thời hạn sử dụng vắc xin mới ComBe Five thêm 2 tháng trên toàn quốc

 Vắc xin ComBe Five sẽ được triển khai trên toàn quốc sau 2 tháng nữa. Ảnh Môi trường và cuộc sống

Từ nay đến tháng 8, vắc xin Quinvaxem vẫn được tiêm miễn phí cho trẻ dưới một tuổi. Hiện lượng vắc xin Quinvaxem vẫn đủ cung cấp cho chương trình trong tháng 5 và tháng 6. Sang tháng 7, một số tỉnh tiêm cuối tháng có thể sẽ thiếu nhưng không đáng kể.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) thông tin, chiều 16/4, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc xin 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng có tên thương mại là ComBe Five do Ấn Độ sản xuất và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017.

Được biết, vắc xin ComBe Five này có thành phần, hiệu quả phòng bệnh tương tự như Quinvaxem đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ComBe Five Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, Vắc xin ComBe Five tương tự như các vắc xin 5 trong 1 có cùng thành phần. Theo kết quả sử dụng vắc xin này tại thực địa bốn huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016 ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm, bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%, sốt tỷ lệ 34-39%, không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng.

Hoàng Yến (t/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang