"Lùng nhùng" việc quản lý nhãn hiệu hàng hóa

author 07:14 02/10/2013

Hơn 10 năm làm nghề xay xát lúa gạo, đây là lần đầu tiên, những bao gạo thành phẩm của cơ sở xay xát Hằng Thịnh đưa ra thị trường có in nhãn hiệu lúa gạo Cát Tiên. Sau một năm, việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu này vẫn còn nhiều chuyện "lùng nhùng".

Đầu năm 2012, nhãn hiệu "lúa gạo Cát Tiên", tỉnh Lâm Đồng được Bộ Công Thương công nhận, mở đầu cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng lúa gạo trọng điểm của địa phương. Từ tháng 5 năm nay, các cơ sở kinh doanh lúa gạo có nguồn gốc từ Cát Tiên muốn sử dụng nhãn hiệu lúa gạo Cát Tiên đều có thể đăng ký với chính quyền địa phương, sau khi nhãn hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.

Nhãn hiệu gạo cát tiên đã được Cục SHTT công nhận.

Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp tại huyện Cát Tiên được địa phương cấp phép sử dụng nhãn hiệu lúa gạo Cát Tiên, gồm 3 cơ sở sản xuất lúa giống và một cơ sở sản xuất gạo hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi được phép sử dụng nhãn hiệu, không phải cơ sở nào cũng mặn mà với việc thực hiện đúng các quy định trong sử dụng nhãn hiệu trên bao bì.

Đến hết năm nay, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa ra thị trường 500 tấn lúa giống và 1.000 tấn lúa hàng hóa mang nhãn hiệu lúa gạo Cát Tiên. Nhãn hiệu hàng hóa được công nhận là cơ hội để địa phương nâng cao giá trị hàng hóa, bảo vệ thương hiệu vùng lúa gạo trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên trước khi sử dụng nhãn hiệu đã được công nhận thì bài toán cân đối chi phí và lợi nhuận đang là mối quan tâm của những cơ sở này.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Cơ sở xay xát Hằng Thịnh, trước mắt với lượng sản phẩm mang nhãn hiệu lúa gạo Cát Tiên đưa ra thị trường còn ít, các doanh nghiệp có thể cùng chia sẻ chi phí để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của địa phương. Nhưng về lâu dài, với lượng hàng hóa đưa ra thị trường lớn, giá cả bị đội lên cao do nhiều loại tem, nhãn thẩm định chất lượng, thì không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc gắn nhãn hiệu lên sản phẩm.

Nhãn hiệu đã được công nhận, nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ việc sử dụng, thì việc ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm của cả một tập thể, một vùng đất là điều từng xảy ra đối với nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản ở nước ta. Thế nhưng, quản lý bằng cách nào để vừa phát huy giá trị nhãn hiệu đã được công nhận, vừa cân đối hiệu quả kinh tế vẫn tiếp tục là vấn đề đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp và cả chính quyền các địa phương.

Theo VTV

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang