Lương thấp, công chức phải tìm khoản khác để bù vào!

author 14:12 04/11/2014

(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang phải chịu nhiều chi phí không chính thức một phần vì lương cán bộ công chức thấp nên họ cần phải kiếm khoản thu khác để bù vào.

Trong hội thảo về Dự án “Nghiên cứu khu vực doanh nghiệp” giai đoạn 2013 – 2014 được tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sáng ngày 4/11, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như bà Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Đình Cung đều có chung một nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang bị ảnh hưởng quá nhiều do “chi phí không chính thức” tăng lên.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra là điều mà ai cũng biết. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam khi làm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chứng minh, chi phí không chính thức là phần doanh nghiệp luôn phải chi ra, kể ra doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

chuyên gia kinh tế phạm chi lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh Viết Cường

Theo chuyên gia kinh tế thì khi tham gia điều tra cảm nhận của người dân về tham nhũng, về cải cách hành chính ở Việt Nam, các doanh nghiệp cho biết họ đều phải chi chi phí không chính thức và tỉ lệ chi đó cứ tăng lên.

Trước bất cập này, hiện tại các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào Nghị quyết 19 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai.

Nếu Nghị quyết này thực hiện tốt thì sẽ giảm được thời gian cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, giảm thời gian về làm thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội…

Tất cả những thời gian đó nằm trong 8 tiêu chí cần giảm thời gian để về mức trung bình của ASEAN - 6. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, ý nghĩa của việc này không chỉ đơn thuần là giảm thời gian. Mà qua việc giảm thời gian đó, nó còn tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, kể cả chi phí không chính thức.

Theo nhận định của vị chuyên gia kinh tế, để giảm thời gian một cách triệt để, chẳng hạn như thủ tục thuế từ 872 giờ xuống còn 171 giờ thì chỉ có con đường là đẩy mạnh lợi thế của công nghệ thông tin.

Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích: “Khi áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục thuế thì sẽ chỉ còn làm việc trên máy, không còn việc cán bộ thuế đến ngồi gặp doanh nghiệp để cưa đôi với nhau về thuế nữa. Tôi cho rằng cái đó là cái hết sức căn cơ”.

Bà Lan nói thêm, cái lợi của việc giảm thời gian sẽ giúp cho Nhà nước thực hiện được cải cách hành chính, cải cách bộ máy của mình. Nếu đã giảm thời gian thì không còn lí do gì để giữ lại bộ máy thuế, bộ máy những người làm bảo hiểm và các bộ phận khác đông như hiện nay.

“Đông quá mà lương ít, lại không tăng lương được thì những người đó luôn có động lực là làm thế nào thu lại được từ cái khác để bù cho lương của họ. Đấy là chưa kể chi phí họ đầu tư để lấy “cái ghế” trong bộ máy Nhà nước” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Cũng theo bà, nếu bộ máy Nhà nước chứng minh được là không cần phải nhiều người đến như thế vì công việc có thể giải quyết một cách đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều, điều này sẽ làm giảm tải đi việc có quá đông công chức trong bộ máy Nhà nước.

“Khi đó Nhà nước hoàn toàn có thể tăng lương lên cho họ gấp đôi, gấp ba so với hiện nay với những người đủ năng lực, có trách nhiệm. Và khi họ có tiền lương ổn rồi thì có lẽ đòi hỏi của họ về chi phí “bôi trơn” cũng sẽ bớt đi. Sự minh bạch đó tạo ra công bằng cho tất cả mọi người. Ai cũng phải qua quy trình như nhau về nộp thuế. Lúc đó không có lí do gì tôi lại phải “bôi trơn” nhiều hơn so với anh kia” – Chuyên gia kinh tế nhận định.

Cuối cùng, bà Lan khẳng định lại quan điểm của mình, cần phải áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian, thủ tục rườm rà mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang