Lương kỹ sư hạt nhân có thể cao hơn bộ trưởng

author 06:11 21/12/2014

(VietQ.vn) - Trao đổi với báo chí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân nhấn mạnh một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Nhiều nước lựa chọn giải pháp thuê nguyên cả đội ngũ chuyên gia quản lý cho tới cán bộ kỹ thuật trọn gói; nhưng chủ trương của chúng ta là nhà máy phải được điều hành, quản lý và vận hành bởi người Việt Nam. Khó khăn hiện nay là chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa thu hút được chất xám cho lĩnh vực này. Tới đây Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ cơ chế; theo đó lương kỹ sư hạt nhân có thể sẽ cao hơn cả lương bộ trưởng”.

Thưa Bộ trưởng, được biết đã có 5 trường trong nước được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, nhưng điểm chuẩn thấp, chỉ khoảng 16 điểm. Hơn nữa, số sinh viên theo học cũng bỏ học nhiều. Như vậy đến năm 2020 liệu có đủ nhân lực và giả sử không đủ thì có kịch bản dự phòng hay không?

Đúng là sinh viên vào học ngành này có điểm thi chưa cao, tỷ lệ theo học đến cùng cũng không cao. Điều này xuất phát từ chính đãi ngộ đối với người đi học cũng như những người sẽ làm việc trong ngành điện hạt nhân chưa được công bố công khai. Người ta thấy chưa đủ hấp dẫn để theo đuổi một nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vì thế chúng tôi đang đề xuất và Chính phủ chắc cũng sẽ sớm công bố chính sách đối với người đi học cũng như những người làm việc trong lĩnh vực này. Hy vọng những sinh viên giỏi sẽ vào học, còn những người đang theo sẽ không bỏ nghề.

Một nguồn nhân lực quan trọng khác là các nhà khoa học Việt kiều, thưa Bộ trưởng?

Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ KH&CN luôn mở rộng cửa mời các nhà khoa học Việt kiều và những chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, có tâm huyết tham gia vào lĩnh vực này. Nhưng sự thực chúng ta cũng còn nhiều khó khăn, giai đoạn đầu cũng chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước, còn lại phải vận động các tổ chức quốc tế, các quốc gia, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hỗ trợ.

Điều đáng mừng là chúng ta đang có sự giúp đỡ rất tích cực từ nhiều chuyên gia Việt kiều và nước ngoài có kinh nghiệm đang làm việc trong lĩnh vực này ở Hoa Kỳ và Pháp.


Để thuyết phục các nhà khoa học làm việc ở Việt Nam, dường như lương chưa phải yếu tố quan trọng hàng đầu mà là môi trường làm việc. Xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?

Đúng vậy. Chúng ta đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho họ. Đối với các nhà khoa học thì không gì quan trọng bằng phòng thí nghiệm, thư viện, nguồn thông tin...

Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng một Trung tâm khoa học hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ trị giá 500 triệu USD. Cùng với việc nâng cấp những cơ sở nghiên cứu hiện có ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, các trường Đại học, viện nghiên cứu khác, đến năm 2017 – 2018 sẽ có hệ thống các cơ sở nghiên cứu tương đối hiện đại, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập cao, việc tham dự hội thảo quốc tế, tiếp cận thông tin, tài liệu, giao lưu… rất dễ dàng. Tôi cho rằng các chuyên gia hạt nhân sẽ không phải quá băn khoăn về môi trường làm việc của họ so với các ngành khoa học khác. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Cẩm Hà (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang