Lương tối thiểu vùng: 'Mức tăng 10-11 % cho năm 2016 là phù hợp'

author 10:34 25/08/2015

“Tăng tính thương lượng là hướng đi hợp lý để tìm ra sự đồng thuận về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Tôi dự đoán mức tăng sẽ khó thỏa mãn con số 16 % hay 10 % theo đề xuất trước đó, nhưng sẽ được tính toán trên cơ sở thiệt - hơn của các bên”.

Trước cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia vào sáng 25/8, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí về những phân tích xu hướng tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nhiều ngày qua.

Thưa bà, bàn về tăng lương tối thiểu vùng trước hết chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa và tương quan của lương tối thiểu đối với thu nhập của người lao động? Trước đó, nhiều chuyên gia về tiền lương cho rằng lương tối thiểu vùng thực tế chỉ là căn cứ để doanh nghiệp đóng BHXH?

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Bộ Luật lao động, tiền lương bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, tiền lương hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Để bảo vệ lao động yếu thế (lao động không có tay nghề, trình độ thấp, năng lực thoả thuận về tiền lương hạn chế) và tránh tình trạng bóc lột lao động cùng cực, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu để hai bên thoả thuận song không được thấp hơn mức lương tối thiểu này.

Như vậy phải khẳng định, lương tối thiểu chỉ là “mức sàn” thấp nhất để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương. Còn thực tế người lao động có được mức lương cao hay thấp còn phải phụ thuộc vào giá trị công việc, (năng suất lao động, chất lượng công việc) và năng lực thương lượng của chủ sử dụng lao động và người lao động.

Bên cạnh các quy định trên về mức lương tối thiểu, Điều 93 Bộ Luật lao động cũng quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương định mức lao động trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc do Chính phủ quy định.

Trong đó, một nguyên tắc được thể hiện cụ thể tại Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ, đó là: “mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định” và “khoảng cách chệnh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm nhưng ít nhất phải bằng 5%”.

Điều này càng khẳng định, mức lương tối thiểu vùng chính là căn cứ để tính các mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Theo đó, các mức lương này sau khi hai bên thoả thuận được và được ghi vào hợp đồng lao động cùng với “tiền lương”, làm cơ sở đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn...

Bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH)

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia vào sáng 25/8 sẽ diễn ra tranh luận gay gắt giữa các bên về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Vậy với đề xuất tăng 16 % từ phía Tổng LĐLĐ VN đưa ra trước đó, bà có ý kiến gì?

- Điều 91 Bộ Luật Lao động đã quy định “mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sông tối thiểu của người lao động và gia đình họ” đồng thời cũng quy định “căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.

Tổng LĐLĐ VN kiến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn phương án của VCCI (đại diện người sử dụng lao động) cũng như phương án của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Kiến nghị này có cơ sở vì các lý do sau:

Mức lương tối thiểu vùng hiện tại còn thấp do so với nhu cầu sống tối thiểu. Tính toán của Bộ phận kỹ thuật (Hội đồng tiền lương Quốc gia), lương tối thiểu vùng hiện chỉ bằng khoảng 80% mức sống tối thiểu tùy theo từng vùng.

Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 cũng như dự báo cả năm có khởi sắc: GDP theo Nghị quyết của Quốc hội là 6,2%, thực tế 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,28%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 21,7%; số doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,8%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 2,2%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết của Quốc hội ở mức dưới 5%, thực tế bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 0,86% so với bình quân cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm nay CPI chỉ tăng 0,1%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Mức lương tối thiểu vùng sẽ có tác động gián tiếp đến chi phí đóng BHXH. Tác động này nhiều hay ít tuỳ thuộc vào việc xây dựng thang - bảng lương của từng doanh nghiệp. Nếu mức lương thấp nhất trong thang - bảng lương bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng, khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề đúng bằng mức quy định tối thiểu 5% thì khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống tiền lương của doanh nghiệp. Điều này đó kéo theo tác động càng lớn đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp (bao gồm cả người sử dụng lao động và người lao động)” - Bà Tống Thị Minh nói.

Những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế có thể là tiền đề tạo mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 đáp ứng kỳ vọng của người lao động, thưa bà?

- Tôi cho rằng những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 là đáng ghi nhận, nhưng việc đề xuất chính sách nói chung và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nói riêng cũng cần phải cân nhắc tổng thể.

Báo cáo diễn đàn doanh nghiệp 2015 vừa qua cho thấy, VN có tới 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khu vực tư nhân trong nước gần 70% số doanh nghiệp hoạt động là chưa có lãi hoặc không có lãi.

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt trong bối cảnh VN chuẩn bị hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean cuối năm 2015 và Hiệp định đối tác xuyên thái bình dương TPP …

Nguồn nhân lực khi nguồn lao động nước ta qua đào tạo chỉ chiếm 21,26%, năng suất lao động mặc dù có cải thiện (mức 3-4%/năm) song về giá trị còn thấp (năm 2014 ước tính có 74 triệu đồng/người). Tính theo sức mua tương đương trong khu vực Asean, năng suất lao động của VN chỉ hơn Lào và Campuchia.

Báo cáo Thông tin thị trường lao động quý II năm 2015 vừa qua, thất nghiệp có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2014 (tỉ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi lao động tăng 2,43%, tăng hơn 140.000 người so với cùng kỳ năm 2014).

Đối tượng nào chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của tăng lương tối thiểu vùng? “Quý 1/2015, tỉ trọng người lao động làm công ăn lương ở VN mới chiếm 37,8% trong tổng số lao động có việc làm, tương đương 19,8 triệu lao động. Nghiên cứu trong tháng 7 của Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế tại VN, cả nước có khoảng gần 55% người lao động làm công ăn lương có thời gian làm việc dưới 5 năm” - Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội.

Vậy theo bà, lương tối thiểu vùng 2016 sẽ ở mức nào là hợp lý?

- Với những phân tích trên, tôi cho rằng các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ thảo luận và đánh giá một cách toàn diện hơn tính hình, đi đến thống nhất một mức điều chỉnh hợp lý.

Như tôi đã nói, mức điều chỉnh này vừa đáp ứng một phần mức sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế được chia sẻ những thành tựu chung của nền kinh tế.

Đồng thời việc tăng lương cũng phải phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế, tương quan với sự phát triển của doanh nghiệp, vấn đề đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nếu thống nhất được thì lương tối thiểu vùng năm 2016 điều chỉnh tăng ở mức 10-11% là phù hợp.

- Xin cảm ơn bà!

“Từ 1/1/2016, một số chính sách mới có hiệu lực, quy định về xây dựng thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp Nhà nước, đóng - hưởng bảo BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn sẽ có hiệu lực. Chỉ tính riêng chi phí đóng BHYT, BHXH, phí công đoàn trên làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp lên 15-17% (tương ứng với 1,2-1,5% tổng chi phí của doanh nghiệp) do mức lương tham gia BHXH, BHYT hiện tại ở các chỉ bằng 60-70% tiền lương của người lao động. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2016”- bà Tống Thị Minh cho biết.

Theo Dân trí


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang