Lý do nào để xin hoãn xử vụ Bầu Kiên?

author 10:27 15/04/2014

Liên quan đến phiên xét xử vụ Bầu Kiên, luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng chưa thể đưa ra xét xử lúc này.

Phiên xét xử vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo dự kiến sẽ diễn ra tại trụ sở TAND TP. Hà Nội vào ngày 16/4.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lưu Tiến Dũng – luật sư thuộc Công ty Luật TNHH YKVN, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá cho rằng: “Chưa thể đưa vụ án Bầu Kiên ra xử tại thời điểm này đối với hành vi Cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Giải thích cụ thể, luật sư Dũng nói: “Để có thể xử tội danh Cố ý làm trái nêu trên đối với việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào Viettinbank thì phải xem xét một trong các yếu tố không thể thiếu được cấu thành tội phạm này là: ACB có thiệt hại 718 tỷ đồng hay không?

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chưa xử phúc thẩm nên chưa có cơ sở xác định Huỳnh Thị Huyền Như hay Vietinbank có trách nhiệm đối với khoản 718 tỷ đồng đó. Ngay cả nếu Tòa án cấp phúc thẩm xử y án về vấn đề này thì vẫn chưa có cơ sở để khẳng định Như có trả được 718 tỷ đồng cho ACB hay không. Cần phải đợi đến khi cơ quan thi hành án khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như không có khả năng thi hành phần dân sự trong bản án hình sự đối với việc bồi thường cho ACB khoản tiền ở mức mà pháp luật coi là có hậu quả nghiêm trọng. Do đó, chưa có căn cứ để đưa ra xử vụ bầu Kiên về hành vi này”.

Bị can Nguyễn Đức Kiên (tức "Bầu Kiên")

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, “nếu cứ tiếp tục đưa ra xét xử hành vi nêu trên thì có thể có mâu thuẫn giữa hai Toà án khác nhau về cùng một vấn đề 718 tỷ đồng nêu trên. Hay nói cách khác là không thể có chuyện 2 toà án cùng xem xét một vấn đề. Tố tụng không cho phép như vậy. Càng không thể dựa vào phán quyết sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của vụ Huyền Như làm căn cứ xác định thiệt hại đối với 718 tỷ đồng cho vụ bầu Kiên”.

Cũng trong ngày 11/4, ông Dũng đã gửi đơn kiến nghị tới Viện kiểm sát và TAND TP. Hà Nội kiến nghị hai cơ quan này cân nhắc xem xét kỹ tính pháp lý của Văn bản số 350/NHNN-TTGSNH.m của Ngân hàng nhà nước ngày 17/5/2012 (“Công văn 350”) xác nhận việc Ngân hàng ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cá nhân, đại lý khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (“Luật TCTD 2010”), tính hợp pháp của nội dung trả lời của NHNN tại Công văn 350 và không sử dụng văn bản đó để làm căn cứ quy trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Xuân Giá (VKSNDTC truy tố hành vi của ông Trần Xuân Giá tại trang 19 Cáo trạng số 10 ngày 12 tháng 2 năm 2014 như sau: “Nghị quyết của Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22/3/2010 và được thực hiện đến ngày 05/9/2011, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác nên hành vi của Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên  trên đây đã vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010)”.

Luật sư Dũng cũng đề nghị Viện Kiểm sát và Tòa án triệu tập người đã ký Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17 tháng 5 năm 2012 là ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia phiên tòa để trả lời về nội dung Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các vấn đề có liên quan, nhằm bảo đảm việc xét xử và ra phán quyết chỉ dựa trên các chứng cứ được trình bày và kiểm chứng tại phiên tòa theo tinh thần và đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Theo Tri thức trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang