Phát hiện lãng phí hàng hàng trăm tỷ đồng mua sắm thiết bị y tế: Người trong cuộc nói gì?

author 13:22 27/05/2017

(VietQ.vn) - Cùng một loại vật tư, mỗi bệnh viện mua với giá... gấp vài lần nhau. Nhiều trang thiết bị y tế bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng.

Những con số gây sốc

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/5, Kiểm toán nhà nước đã báo cáo kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 đã phát hiện ra nhiều sự lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh tại rất nhiều bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc.

Trong đó, nổi cộm vấn đề là cùng một loại vật tư của cùng một nhà cung cấp nhưng mỗi bệnh viện mua với giá khác nhau tới vài chục triệu/thùng. Cụ thể, một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml: Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng. Một thùng Diff Timepac, 2x2075ml: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 42.607.000 đồng, còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy 14.163.950 đồng. 1 dây truyền huyết thanh của Bệnh viện Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng...

Nhiều thiết bị y tế hiện đại giúp công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh chính xác. Ảnh: TTXVN

 

Kiểm toán nhà nước còn phát hiện nhiều trang thiết bị y tế kém hiệu quả, mới dùng đã hỏng, mua sắm chưa phù hợp... Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trong đó số trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

Giám đốc các bệnh viện lên tiếng

Trước thông tin của Kiểm toán Nhà nước đưa ra, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng đã có những phản hồi.

Trước thông tin trên, giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thẳng thắn: "Với loại dây truyền với đơn giá 18.000 đồng (gấp 5 lần so với Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viện chỉ sử dụng một loại dây truyền dịch dùng cho ghép tạng. Bởi đây là loại dây chuyền dịch chất lượng cao của hãng B.Braun và bệnh viện chỉ sử dụng phục vụ cho công tác ghép tạng. Số lượng kế hoạch của loại dây truyền dịch này là 11.000 bộ/năm.

Về việc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có 2 loại hóa chất mua đắt hơn nhiều lần so với các viện khác, giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết là mua của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm.

Ngày 24/5, Công ty này đã có công văn gửi đến Viện giải trình. Theo đó, Công ty Minh Tâm, khi làm thầu công ty này đã tính sai đơn giá ml/hộp nên giá một hộp hóa chất là gần 11 triệu đồng. 

Trao đổi với Vietnamplus, ông Nguyễn Minh Tuấn -  Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, việc chênh giá vật tư y tế nhiều giữa các bệnh viện phải xem cụ thể để biết được chính xác sự việc như thế nào. Cụ thể, chúng ta có thể phải kiểm chứng xem tại sao lại có sự chênh lệch khá lớn về giá của thiết bị y tế, hóa chất của Bệnh viện Chợ Rẫy là như thế này, còn của Bệnh viện huyết học Truyền máu Trung ương là như thế kia. Qúa trình rà soát lại nếu phát hiện sai thực sự là lỗi thì Bộ Y tế sẽ xử lý theo quy định và đơn vị nào có liên quan phải giải trình cụ thể, chấn chỉnh từng bước. Giá của trang thiết bị y tế liên quan đến cấu hình tính năng của máy móc và được thông qua đấu thầu. Thông qua sự việc này, tôi cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của hội đồng đấu thầu cơ sở và hội đồng chuyên môn cơ sở.

PV

Trục lợi bảo hiểm y tế: Những con số không tưởngMột người uống gần 300 viên, tuýp thuốc trong ngày mà… vẫn sống, có người mỗi ngày khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc, đây đều là những con số khó tin về trục lợi bảo hiểm y tế.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang