Mã số mã vạch - nền tảng đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa

author 16:20 27/05/2020

(VietQ.vn) - Mã số mã vạch là một phần của ghi nhãn hàng hóa, ứng dụng mã số mã vạch giúp quản lý sản phẩm, hàng hóa, quản lý chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

 

Việc quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước giúp cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống việc giả tên của doanh nghiệp chủ sở hữu mã số mã vạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ uy tín và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Mã số, mã vạch có các lợi ích và ứng dụng cơ bản giúp quản lý sản phẩm, hàng hóa, quản lý chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi cho thương mại. 

Hiện nay, việc quản lý mã số mã vạch được thực hiện căn cứ trên cơ sở các văn bản, quy định sau:

Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch.

Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về sửa đổi, bổ sung một số điều của “quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”, trong đó có quy định về quản lý sử dụng mã nước ngoài.

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ “Đẩy mạnh hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nhà nước về mã số mã vạch đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; phổ biến tuyên truyền về mã số mã vạch nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng; trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP trong quý 3 năm 2017”.

Mã số, mã vạch là một phần của ghi nhãn hàng hóa như: tên, địa chỉ nhà sản xuất, tính năng cơ bản của sản phẩm, là yếu tố gắn liền với hoạt động quản lý chất lượng. Mã số, mã vạch có các lợi ích và ứng dụng cơ bản giúp quản lý sản phẩm, hàng hóa, quản lý chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi cho thương mại. Ngoài ra, mã số, mã vạch đang được ứng dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động truy xuất nguồn gốc ở một số địa phương. Do đó, việc quy định về quản lý mã số mã vạch trong khuôn khổ pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phù hợp.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn ISO 9001 - Hệ thống quản lý chất lượng (từ năm 1994) cũng quy định về khả năng để truy tìm về lịch sử, sự áp dụng hay vị trí nguồn gốc của sản phẩm (truy xuất nguồn gốc) như nguồn gốc của nguyên vật liệu hay chi tiết, bộ phận; lịch sử quá trình chế tạo, việc phân phối và vị trí của sản phẩm sau khi giao.

Mã số mã vạch có ý nghĩa quan trọng trong việc chống hàng giả hàng nhái

Phân biệt rõ những loại mã số không thuộc ngân hàng mã số quốc gia (của Việt Nam và các nước) khác với các loại mã số do các tổ chức, cá nhân phát triển, được áp dụng trong nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hay một nhóm tổ chức, doanh nghiệp.

Việc quản lý mã số mã vạch nước ngoài là cần thiết để tránh doanh nghiệp sản xuất in, sử dụng mã số mã vạch của doanh nghiệp nước ngoài (chủ sở hữu mã số mã vạch) trên sản phẩm mà chưa được phép hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lợi dụng nhập hàng hóa thay đổi bao bì, nhãn mác, sử dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Mã số mã vạch nói chung và mã nước ngoài nói riêng đóng vai trò trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển. Trên thế giới, để đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng, nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia đã áp dụng truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng như EU, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc… theo đó hầu hết đều khuyến nghị sử dụng tiêu chuẩn GS1 làm nền tảng.

Hỗ trợ chống hàng giả, hàng nhái. Nhận thấy vai trò quan trọng của GS1 trong việc chống hàng giả hàng nhái, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã phân bổ một khối mã cơ quan phát hành (IAC) cho GS1 từ 0 đến 9 với tư cách là cơ quan phát hành các quy tắc định danh, xác định, đăng ký, kiểm soát và duy trì tính đơn nhất trên toàn cầu.

Khi đăng ký với GS1, một công ty được gán một tiền tố doanh nghiệp (GCP) đơn nhất trên toàn cầu và cho phép tạo ra các mã định danh GS1 đơn nhất khác hỗ trợ việc minh bạch kinh doanh và thông suốt chuỗi cung ứng của họ. Khi các công ty kết nối, giao thương với nhau nhờ GS1 mà các thông tin chuỗi cung ứng được rõ ràng, minh bạch, họ đơn giản hóa trong trao đổi, tập trung vào cách sử dụng thông tin nhiều hơn thay vì thu thập thông tin, cải thiện sự hợp tác, tăng cường bảo mật và truy xuất nguồn gốc.

Đây chính là lý do GS1 cho ra đời của tiêu chuẩn EPCIS (ISO 19987), từ đó các doanh nghiệp trên thế giới có thể dễ dàng tạo và chia sẻ dữ liệu sự kiện một cách minh bạch, giúp người dùng có cái nhìn tổng quan cả đối tượng vật lý (sản phẩm, tài sản, tài liệu vật lý, xe cộ…) và kỹ thuật số (tệp tin, sách điện tử, phiếu giảm giá điện tử…) trong bối cảnh kinh doanh cụ thể.

Giảm 50% phí xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài từ 26/5(VietQ.vn) - Kể từ ngày 26/5 - 31/12, Bộ Tài chính sẽ giảm đồng loạt 50% các loại phí thẩm định liên quan đến các lĩnh vực: Xuất bản, kinh doanh hàng hóa, cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài và lệ phí sở hữu công nghiệp.

Bảo Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang