"Ma trận" ngân hàng cần một lối thoát (Bài 2)

author 11:52 09/08/2012

(VietQ.vn) – Sự yếu kém trong công tác quản lý, năng lực trình độ hạn chế của cán bộ ngân hàng là lỗ hổng lớn để những kẻ lừa đảo khoét sâu khai thác. Tổn thất từ những phi vụ lừa đảo ngân hàng gây ra cực kì nặng nề cho nền kinh tế.

Bài 2: Xỏ mũi... ngân hàng

Hàng loạt vụ lừa đảo xảy ra trong những năm qua cho thấy công tác điều hành của mỗi ngân hàng "có vấn đề". Đánh giá về các thủ đoạn lừa đảo này, một lãnh đạo cấp cao Công an Hà Nội cho rằng, về phương thức không có gì mới song tính chất, mức độ tổn hại mà nó gây ra lại rất nặng nề.

Tài sản “ảo” vẫn “qua mặt” ngân hàng

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, các thủ đoạn lừa đảo ngân hàng chủ yếu là làm giả hồ sơ vay vốn đem tài sản “ảo” ra thế chấp, gian dối về mục đích vay qua các dự án, các hợp đồng thương mại và gian dối trong khâu chuyển tiền sau khi các ngân hàng giải ngân. Mới hơn cả là các thủ đoạn sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin, lợi dụng sơ hở của ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền.

Theo quy định về tín dụng, vay tiền ngân hàng chỉ có 2 hình thức: có thế chấp hoặc tín chấp. Do đó, phần lớn các vụ lừa đảo ngân hàng đều liên quan đến việc sử dụng tài sản “ảo” để thế chấp. Những trường hợp giấy tờ giả khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng, có trường hợp làm giả toàn phần, có trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm từ phôi thật (chỉ giả một nửa) nên rất khó nhận biết. Nhiều trường hợp tài sản đã đem thế chấp ngân hàng nhưng chủ tài sản vẫn ngang nhiên bán cho người khác mà không trả tiền ngân hàng.

Cò Hoa tại cơ quan Cảnh sát
"Cò" Hoa tại cơ quan cảnh sát

Ngày 6/2/2012, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Gia Thị Vân Anh (Công ty TNHH Chánh Lộc) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc thế chấp 4 xe ô tô vay 5,8 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Sài Gòn.

Theo kết luận điều tra, bị can Vân Anh thành lập và điều hành Công ty TNHH Chánh Lộc – có chức năng kinh doanh mua bán ô tô. Từ tháng 1 đến tháng 9/2009, Công ty Chánh Lộc bán và giao giấy tờ gốc 4 ô tô hiệu Audi Q7, Lexus 430, Mercedes S500, Mercedes S600 cho khách hàng. Thế nhưng, sau đó Vân Anh vẫn làm giả bản gốc các giấy tờ xe này bằng phương pháp in phun màu để thế chấp, vay tiền ngân hàng.

Do sơ hở trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn, các nhân viên ngân hàng TMCP Petrolimex chi nhánh Sài Gòn không phát hiện được những loại giấy tờ này là giả. Hơn nữa, khi ngân hàng cho nhân viên đến kiếm tra, Vân Anh nghĩ ra cách mượn các loại xe đã bán đến trưng bày tại salon ô tô của mình, nên sự tin tưởng cùa ngân hàng với bị can này rất cao. Ngày 31/12/2009, ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Chánh Lộc vay 5,8 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng. Đến nay, số nợ gốc và lãi phát sinh lên đến hơn 6,4 tỷ đồng, bị can Vân Anh không có khả năng thanh toán.

Trong các hồ sơ xin vay vốn ngân hàng, nhà đất được coi là tài sản cố định, rất bảo đảm và có giá trị, nhưng đã dễ dàng trở thành tài sản “ảo” vì nạn sổ đỏ giả. Rất nhiều ngân hàng dễ dàng bị lừa trong những tình huống tưởng chừng đơn giản.

Ngày 7/6/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, tuyên y án 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Nghĩa (49 tuổi, quê ở Tây Ninh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Nguyễn Văn Nghĩa đã mang 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao và đã cạo sửa) đến Ngân hàng Công thương huyện Hòa Thành (Tây Ninh) vay tiền và chiếm đoạt 900 triệu đồng.

Nhiều trường hợp, ngân hàng mất tiền vì không thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp. Ngoài ra, không ít trường hợp ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký hoặc tài sản thuộc đồng thừa kế của nhiều người, nhưng chỉ một số đông thừa kế ký hợp đồng thế chấp.

Móc nối với nhân viên ngân hàng

Ngoài việc lợi dụng chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ để làm giả hợp đồng kinh tế, các đối tượng còn thông đồng, câu kết với cán bộ thoái hóa, biến chất trong ngân hàng để rút tiền; lập khống dự án, giấy tờ có giá trị giả... để giao dịch bất hợp pháp, chiếm đoạt tài sản.

Tháng 1/2012, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Điện Biên Phủ đã bị thất thoát 3 tỷ đồng do chính nhân viên ngân hàng “trục lợi”. Lợi dụng giờ nghỉ, nhân viên ngân hàng Lê Thái Phong đã tiến hành làm giả chứng từ của Ngân hàng Sacombank gồm: phiếu chuyển tiền, hóa đơn phí và bảng kê tiền nộp với nội dung: Nguyễn Thị Phương Anh chuyển cho Nguyễn Thị Ánh Loan số CMND 024288063 số tiền 3 tỷ đồng. Phong giả chữ ký của giao dịch viên K.D và thủ quỹ L.S trên chứng từ.

Giao dịch tại ngân hàng
Giao dịch tại ngân hàng

Sau đó Phong dùng user (tài khoản sử dụng vào hệ thống mạng máy tính) của D. và S. để nhập số liệu, duyệt chứng từ trên hệ thống mạng quản lý nội bộ với các thủ đoạn rất tinh vi đã được theo dõi và chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Hoàn tất các thủ tục “giả”, Phong điện thoại cho đối tượng Nguyễn Thị Ánh Loan (SN 1989, ngụ P12Q4) đến rút tiền theo lệnh chuyển tiền chỉ định bằng CMND số 024288063 của Loan.

Tháng 5/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk hoàn tất điều tra vụ “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa (SN 1970, trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 29 tỷ đồng của hơn 60 người dân ở xã Hòa Thắng, xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột và xã Ea H’Ding, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Từ năm 2005, Nguyễn Thị Hoa đã làm “cò” ngân hàng, dịch vụ đáo hạn để lấy tiền hoa hồng từ 5-10%; “vay ké” trong hợp đồng vay của người bị hại sau đó chiếm đoạt

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện các cán bộ Phòng Giao dịch (PGD) Tân Lợi là Nguyễn Văn Nhân -, nguyên Tổ trưởng Tổ tín dụng và Trần Dũng - nguyên cán bộ tín dụng, nâng khống giá trị tài sản thế chấp, từ đó giúp Hoa vay "ké" được số tiền lớn. Trần Văn Lâm - nguyên Giám đốc phòng giao dịch Tân Lợi đã ký 52/53 hồ sơ cho vay vi phạm về thủ tục, quy trình dẫn đến hàng chục tỉ đồng rơi vào tay “cò” Hoa.

Nghiệp vụ ngân hàng quá nhiều lỗ hổng

Trong vai một người cầm hồ sơ đi “gõ cửa” các ngân hàng để vay vốn, PV Chất lượng Việt Nam nhận thấy quy trình nghiệp vụ của một số ngân hàng còn khá nhiều lỗ hổng. Trong suốt quá trình từ lúc tiếp nhận hồ sơ đến lúc giải ngân, khâu thẩm định hồ sơ hầu như chỉ do số ít cán bộ ngân hàng đảm nhận. Cán bộ tín dụng sẽ là người tiếp nhận sổ đỏ ban đầu, để tiến hành thẩm định tài sản đảm bảo, lập hồ sơ tín dụng. Còn cán bộ hỗ trợ tín dụng sẽ tiến hành các thủ tục để hoàn thiện hợp đồng tín dụng như đi công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo. Do đó, nhiều quyển sổ đỏ “giả” hoặc các giấy tờ chứng minh tài sản thế chấp đã qua mặt cán bộ tín dụng và hỗ trợ tín dụng.

Các khâu còn lại của quá trình ra phán quyết tín dụng như tái thẩm định, phê duyệt tín dụng, kiểm soát tín dụng thì hầu như các cán bộ chỉ tiếp cận, phân tích hồ sơ tín dụng khách hàng. Không nhân viên nào được cầm trực tiếp vào quyển sổ đỏ của khách hàng để biết sự xác thực của quyển sổ đỏ hay đi giám định lại các tài sản thế chấp.

Một số ngân hàng đã thành lập bộ phận kiểm soát tín dụng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ lần cuối để đảm bảo đầy đủ trước khi giải ngân. Tuy nhiên, với việc áp dụng mô hình kiểm soát tín dụng tập trung, hồ sơ được scan và gửi về hội sở thì việc phát hiện sổ đỏ giả hay các giấy tờ chứng minh tài sản giả rất khó khăn. Trong thời kỳ ngân hàng tăng trưởng nóng, phát triển mạng lưới nhanh chóng, việc tuyển nhân viên ồ ạt song lại không chú trọng đúng mức đến công tác đào tạo nhân viên, khiến nhân viên không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Một cảnh báo nữa các ngân hàng cần chú ý là hiện nay, một số ngân hàng phân quyền phán quyết quá lớn cho các phòng giao dịch. Một giám đốc Phòng Giao dịch có quyền phán quyết lên tới 2-5 tỷ đồng là quá lớn trong khi mô hình của nó chỉ gồm 1 giám đốc phòng,1 cán bộ tín dụng và 1 cán bộ hỗ trợ tín dụng. Trên thực tế, công tác kiểm soát nội bộ đến từng phòng giao dịch không được quan tâm, chỉ kiểm tra theo đợt, thậm chí là hàng năm mới có một đợt.

Một cán bộ đang công tác ở Ngân hàng Agribank cho biết, hàng năm ngân hàng này đều tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân viên của mình. Nhân viên khi được tuyển chọn vào ngân hàng đều được lựa chọn khá gắt gao qua nhiều vòng. Song thực tế cho thấy, Agribank cũng là ngân hàng có nhiều cán bộ dính bê bối liên quan đến tiền bạc. Rất nhiều cán bộ cấp cao của ngân hàng này đã phải hầu tòa và lĩnh án tù giam.

(Còn nữa)

 Nhóm PV Nội Chính
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang