"Ma trận" ngân hàng cần một lối thoát (Bài 3)

author 10:19 10/08/2012

(VietQ.vn) - Các sai phạm trong ngân hàng tăng lên nhiều là do sự tăng trưởng nóng, tiêu cực nói chung của môi trường kinh tế. Việc tuyển dụng cán bộ nhân viên ngân hàng không theo đúng thực lực mà còn dựa vào phong bao, phong bì...

Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế về các vụ vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng thời gian qua.

Bài 3: Cán bộ ngân hàng... non và yếu

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO), đồng thời là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế, cho rằng các sai phạm trong ngân hàng tăng lên nhiều là do sự tăng trưởng

Mô tả ảnh.
Luật sư Trương Thanh Đức

nóng, sự phức tạp, tiêu cực nói chung của môi trường kinh tế và sự non nớt về nhận thức và kinh nghiệm ứng xử của nhân viên, cán bộ ngân hàng.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng cán bộ ngân hàng thời gian qua? Việc cán bộ ngân hàng để xảy ra nhiều sai phạm, theo ông nguyên nhân do đâu? 

Chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng trong thời gian qua đã được nâng cao hơn khá nhiều so với trước kia, do tốc độ phát triển nhanh, thị trường phong phú, phức tạp và sự cạnh tranh mạnh mẽ. Nhưng cùng với đó, thì các sai phạm cũng tăng lên nhiều, là do sự tăng trưởng nóng, sự phức tạp, tiêu cực nói chung của môi trường kinh tế và sự non nớt về nhận thức và kinh nghiệm ứng xử.
 
Đương nhiên việc đó là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành ngân hàng, gây ra sự hoài nghi, lo ngại của khách hàng trong mọi giao dịch với ngân hàng.
 
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính thì để xảy ra tình trạng này một phần là do việc quản lý nội bộ ngân hàng còn yếu kém? Vậy theo ông thì cụ thể là yếu ở khâu nào?
 
Một phần quan trọng là do sự quản lý nội bộ ngân hàng còn yếu kém, nhất là là yếu kém ở khâu tuyển dụng và bố trí cán bộ. Với sự tăng trưởng quá nóng, cán bộ chưa được đào tạo, thử thách, kiểm nghiệm, nhưng đã được giao nhiều trọng trách, quyền hành, tiền bạc, nên dễ bị xô đẩy, lợi dụng. Và cũng vì phát triển nóng, nên việc theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý cũng không theo kịp cả về con người cũng như cơ chế, chính sách.

Sự khác biệt giữa các ngân hàng hiện nay không chỉ  đánh giá qua sản phẩm nữa mà còn qua chất lượng lượng dịch vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này và công nghệ có vai trò thế nào trong việc tạo nên sự khác biệt này?
 
Sản phẩm ngân hàng thường là những hoạt động cơ bản, truyền thống lâu đời, đã định hình rõ nét và dễ học hỏi, bắt chước, nên khó tạo ra sự khác biệt. Còn chất lượng dịch vụ thì mới thực sự là cốt lõi, là phần chất của sản phẩm, đòi hỏi phải có nghề, có tầm thật sự mới khẳng định và duy trì được. Và đặc biệt, chất lượng dịch vụ ngân hàng gần như gắn liền với công nghệ thông tin.
 
Một sản phẩm rất khó có sự khác nhau về mô tả và thể hiện ra bên ngoài, nhưng nó sẽ hoàn toàn khác biệt về chất lượng, về hiệu quả, về khả năng thích ứng và phát triển khi được khai thác, ứng dụng bằng các giải pháp và trình độ công nghệ khác nhau. Có thể nói, chất lượng rất nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng quyết định bởi chất lượng công nghệ. 
 
Thực tế có rất nhiều phàn nàn từ phía người sử dụng về chất lượng dịch vụ của các ngân hàng hiện nay. Đối với doanh nghiệp họ cho rằng thủ tục còn phiền hà, gây khó khăn cho họ khi vay vốn. Ông có cùng quan điểm với họ?
 
Chất lượng dịch vụ ngân hàng đã được thay đổi, cải tiến và nâng cao rõ rệt so với vài năm trước do đã thực sự có cạnh tranh. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ thần kỳ như thời gian qua, thì đúng là chất lượng dịch vụ của các ngân hàng vẫn còn chậm chân, vẫn còn nhiều hạn chế và còn phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Riêng chất lượng trong nghiệp vụ tín dụng thì còn ít thay đổi.
 
Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này thì lại không nên oán trách ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đã có sự canh tranh mạnh mẽ, sòng phẳng, các ngân hàng luôn phải giành giật nhau từng khách hàng, cả gửi tiền lẫn vay tiền, mà khách hàng vay vốn vẫn cho rằng thủ tục còn phiền hà, khó khăn, thì vấn đề không còn là ở phía ngân hàng nữa. 
 
Thực chất của câu chuyện là vấn đề nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đã phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng và đặc biệt là sự quá phức tạp, thậm chí đến mức hỗn loạn về môi trường pháp lý, môi trường xã hội và môi trường kinh doanh quá xấu, đã dẫn đến rủi ro quá lớn, bội ước quá nhiều, lòng tin quá thiếu, rủi ro quá lớn, nên thủ tục, điều kiện vay vốn không thể dễ dàng cho vay. Thực tế đòi hỏi nhiều thủ tục, điều kiện rất chặt chẽ, bên cạnh đó hầu như đều phải có tài sản thế chấp, nhưng rồi cuối cùng nợ xấu, khả năng mất vốn vẫn rất cao. Do đó, nếu cho vay dễ dãi thì không biết hậu quả còn đến mức nào nữa. 
 
Theo ông, đâu là giải pháp cải thiện chất lượng cán bộ ngân hàng, chất lượng sử dụng dịch vụ ngân hàng, cũng như việc bảo mật thông tin thế nào để ngân hàng cũng như người sử dụng yên tâm hơn?
 
Cải thiện chất lượng dịch vụ ngân hàng, không gì bằng tạo ra môi trường cạnh tranh một cách sòng phẳng, công khai. Chỉ có cạnh tranh thì mới có sức ép và chú trọng đến chất lượng. Tuy nhiên, phải là sự cạnh tranh an toàn, lành mạnh và thực chất, ngăn chặn phát triển nóng.
 
Chất lượng sẽ bị giảm sút nếu giảm bớt 2/3 số lượng ngân hàng nhỏ như chủ trương, thay vì cần giảm bớt số ngân hàng yếu kém. Cũng như vậy, nếu cứ duy trì các trần lãi suất huy động và cho vay để giải quyết về mặt hình thức, thay vì tự do hoá lãi suất để đi vào lãi suất thực chất của thị trường.
 
Riêng việc bảo mật thông tin của các ngân hàng, thì người sử dụng có thể yên tâm, vì không chỉ đơn thuần là chất lượng nữa, mà là những đòi hỏi khắt khe mà các ngân hàng phải thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
 
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Tuyển nhân viên còn dựa vào phong bì!
 
"Để xảy ra những vụ việc vi phạm kể trên là do trách nhiệm của ngân hàng. Cụ thể, một bộ phận cán bộ NH là còn đi lấy phong bì của người vay vốn để nâng giá trị tài sản thế chấp của họ lên cao hơn. Bởi ngân hàng thường chỉ cho vay 50% của giá trị tài sản thế chấp cho nên nhân viên ngân hàng nâng tài sản thế chấp lên ví dụ làm hai lần Hay móc nối với người vay làm những dự án khả thi kế hoạch kinh doanh “ảo” khiến rủi ro cho ngân hàng tăng thêm. Do đó, quy củ và pháp luật làm nghiệp vụ ngân hàng phải sắp xếp phải khách quan không để xảy ra tiêu cực.
 
Ngoài ra còn do khâu tuyển dụng ngân hàng có vấn đề, ở Việt Nam nhiều ngân hàng thiếu trách nhiệm trong đào tạo nghiệp vụ ngân hàng cho cán bộ nhân viên, chưa lựa chọn được những cán bộ có đức, tâm lẫn tài. Tuyển dụng cán bộ nhân viên ngân hàng không theo đúng thực lực mà còn dựa vào phong bao, phong bì, tuyển dụng theo kiểu “bán chỗ làm trong ngân hàng”. Do vậy, ở đó sẽ tồn tại thực trạng không tuyển dụng được nhân viên mà họ cần dùng.
 
Ngân hàng phải quản lý rủi ro, trước khi cho vay phải thẩm định kỹ dự án của người vay để xem dự án có khả thi hay không?…Còn người mà xem xét cho vay cũng phải đủ kinh nghiệm để giám định mỗi hợp đồng cho vay? Nhiều khi ngân hàng Việt Nam không cần biết dự án nào để làm gì chỉ cần nhìn họ đem tài sản thế chấp rồi nhìn vào đó là ấn định cho vay bao nhiêu %. Như vậy, là rất nguy hiểm, bởi không thể biết được người ta sử dụng vốn thế nào?"
 
 
(Còn nữa)
Dương Vũ Minh (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang