"Ma trận" ngân hàng cần một lối thoát (Bài 5)

author 10:21 12/08/2012

(VietQ.vn) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, lúc này chưa có điều kiện giảm ngay vì một số ngân hàng thời gian qua đã huy động cao, nên chưa tiêu thụ hết vốn giá cao. Điều này vô hình chung tạo những nghịch lý mà các ngân hàng đang phải đối mặt.

Bài 5: Nghịch lý... "kẻ ăn không hết người lần không ra"

Sau khi NHNN có quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống còn 9% khiến cho việc gửi tiền không mang lại nhiều lợi nhuận như trước, nhiều người dân đã rút tiền, chuyển qua đầu tư chỗ khác. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể tiếp cận vốn vay mới.

Mạo hiểm đầu tư... tín dụng đen!

Đơn cử, tính bài toán gửi 1 tỷ đồng chỉ được hưởng lãi 90 triệu/năm. Theo đó, người dân đương nhiên sẽ mong muốn cất giữ tiền nhàn rỗi của mình trong một số kênh đầu tư khác.

Nổi lên trong đó, bất động sản (BĐS) vẫn giữ được chân các nhà đầu tư như một kênh truyền thống, dù còn quá nhiều điều để chờ đợi trong thời gian tới. Khi thị trường địa ốc chưa kịp tan băng, ế ẩm, giảm giá thì các BĐS đang bán ra như chung cư, thổ cư, nhà dự án… đều có thể mua được ở mức giá tốt (chấp nhận được – PV) với mục đích mua ở hoặc đầu tư dài hơi.

Ngân hàng dường như tỏ ra yếu thế trong cuộc chạy đua trả lãi suất với các tổ chức tín dụng đen bên ngoài
Người dân nên cẩn trọng khi rút tiền đầu tư vào tín dụng "đen"

Mức lãi suất như hiện nay của các ngân hàng khiến nhiều người dân mạo hiểm rút tiền đầu tư vào tín dụng "đen". Chị Nguyễn Thị Thùy ở phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) có 500 triệu đồng gửi tại một ngân hàng trên đường Hoàng Quốc Việt. Đến kỳ hạn, thay vì chuyển sổ gửi tiếp như những lần trước, chị quyết định rút tiền ra cho người quen biết vay kinh doanh.

“Một tháng lãi suất các đầu mối này trả cho mình cũng lên tới 3% và được ứng trước lãi, tính ra, có khi lãi còn hơn cả 36%/năm”, chị Thùy cho biết.

Tương tự, anh Lê Hoàng Sang ở Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội) cũng quyết định rút hết số tiền mình gửi tại một ngân hàng cổ phần gần nhà để đi mua căn hộ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tìm được hàng, anh Sang chuyển tiền cho một người bạn gửi hộ một chủ cho vay nặng lãi ở chợ, với lãi suất hàng tháng thấp nhất cũng khoảng 2% và 24%/năm, cao nhất lên đến 4%/tháng.

“Với số lãi mà ngân hàng trả như vậy, mình chỉ cần chuyển tiền qua cho các đầu nậu ngoài chợ đen trong vòng 3 tháng là có thể bằng cả một năm tiền lãi gửi tại ngân hàng”, anh Sang tính toán.

Trong khi đó, anh Đặng Thanh Đấu (ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh tích góp được ít tiền gửi ngân hàng, lấy lãi hàng tháng, hàng quý. Trước đây, mức lãi suất 14%, 13%, 12% rồi 11% còn tương đối hấp dẫn, nay chỉ là 9%, lại còn “dọa” giảm thêm, nên anh chị chọn cách dùng một nửa tiền chỉ gửi ngắn hạn để lấy lãi thường xuyên và có tiền dự phòng, nửa còn lại gửi trên 12 tháng để lấy lãi cao hơn, từ 11–13%.

Khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam cho thấy, hiện nay rất nhiều người dân đang mạo hiểm đầu tư vào các tổ chức tín dụng đen bên ngoài do các "anh chị xã hội" bảo kê. Với mức lãi cao ngút ngàn, các tổ chức tín dụng đen này ngay lập tức đầu tư vào các "kênh làm ăn" kiếm lời. Tâm lý hám lợi của người dân là nguy cơ tiềm ẩn khiến các tổ chức tín dụng đen phát triển, bất chấp những rủi ro mà nó có thể mang lại.

T.S Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia ngân hàng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tâm lý người Việt Nam luôn lo ngại khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh sẽ làm cho tiền đồng mất giá và tranh thủ gom ngoại tệ hoặc vàng. Câu hỏi lớn nhất, nóng nhất hiện nay về chính sách của NHNN là lãi suất sẽ như thế nào? Hạ xuống nữa hay dừng lại? Doanh nghiệp kêu rằng đã quá yếu, đã kiệt sức, nên dù lãi suất đã hạ nhưng vẫn không thể giúp họ tồn tại được.

“Một thời kỳ rất dài trước đây, để chống lạm phát, lãi suất đồng nội tệ được duy trì ở mức rất cao là 14%, còn lãi suất ngoại tệ là 2%, điều này khiến doanh nghiệp, dân cư, ngân hàng đều bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ, tức chuyển trạng thái tài sản. Bây giờ, lãi suất tiền đồng xuống 9%, ngoại tệ vẫn là 2%, câu hỏi đặt ra là người gửi tiền có lợi hay không có lợi? Nếu điều chỉnh lãi suất xuống 8%, rất có thể lại có chuyện dân chúng chối bỏ nội tệ, chuyển sang ngoại tệ, tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên”, ông Nghĩa cảnh báo.

Doanh nghiệp “cầu cạnh”

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất vay 15%, một số khoản vay của công ty hiện nay đang ở mức 17-18%/năm. Việc áp trần lãi suất cho vay 15% còn mới nên chưa biết doanh nghiệp có tiếp cận được vốn rẻ này hay không.

Theo ông Thái, các công ty lớn thường gặp thuận lợi hơn trong việc vay mượn tiền ngân hàng. Công ty ông có khoảng 500 đại lý và những đại lý này nếu vay được vốn ngân hàng cũng ở mức trên 20% mỗi năm.

"Những công ty nhỏ thường không có tài sản thế chấp ngân hàng nên việc tiếp cận vốn khó khăn hơn. Nếu lãi suất cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ về được 15%/năm mà không cộng thêm các khoản phí nào như đã xảy ra trước đây, thì đó là điều đáng mừng", ông Thái nói.

Mặc dù được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất vay 15%/năm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Út Xi, vẫn cho đây là mức lãi suất cao. Với mức lãi suất này, Doanh nghiệp trong nước vẫn khó cạnh tranh hàng xuất khẩu với các công ty nước ngoài.

“DN chỉ sản xuất cầm chừng chứ không dám mở rộng quy mô sản xuất hay làm dự án gì. Ông Tuấn Anh tỏ ra lo lắng tháng 7, tháng 8 tới đây là vào mùa vụ, nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, cùng giá nguyên liệu cũng cao thì tình hình doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn”, vị Tổng giám đốc này chia sẻ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ với các doanh nghiệp tại TP.HCM rằng: Nếu lạm phát năm nay dưới 7% thì cuối năm, lãi suất huy động sẽ giảm xuống 8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm lãi suất huy động quá mạnh, vì người dân sẽ không gửi tiết kiệm mà đầu tư vào các kênh khác. Như vậy, ngân hàng khó huy động để cho vay. Do đó, lãi suất đầu vào có thể sẽ giảm thêm chút nữa, song phải hết sức thận trọng.

Thống đốc NHNN cũng cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, lúc này chưa có điều kiện giảm ngay, vì một số ngân hàng thời gian qua đã huy động cao, nên chưa tiêu thụ hết vốn giá cao.

Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có khả năng đưa lãi suất xuống 10%, nếu thực hiện tốt ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế ổn định lạm phát, nhưng ít nhất cũng phải sang năm tới. Lý do là, khi trần lãi suất huy động giảm sâu thì các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn đối với những người có tiền nhàn rỗi.

Theo  TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đến cuối năm nay, lạm phát có thể xuống 8%, song lãi suất huy động vốn ở mức 9% là phù hợp, không nên giảm thêm.

TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận xét, lãi suất cho vay về 15%/năm là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp không tiếp cận được nhiều.

Theo số liệu thống kê, thời gian qua có khoảng 40%, tương đương với 250.000 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn với ngân hàng với lãi suất 17%. Sở dĩ doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ là do số vốn này quá ít so với nhu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng trên hợp đồng ghi 15%/năm nhưng doanh nghiệp lại phải chi các khoản khác, làm cho chi phí vốn vay tăng lên.

(Còn nữa)

Nhóm PV Nội Chính

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang