"Ma trận" thuốc tân dược

author 07:07 12/06/2013

(VietQ.vn) - Loạn giá khiến người tiêu dùng hoang mang, như lạc vào “ma trận” khi tìm mua thuốc – đó là một trong những vấn đề nhức nhối về thị trường thuốc tân dược hiện nay.

"Mỗi nơi một phách"

Tâm lý chung của đa số mọi người là có bệnh thì phải chữa, đứng trước những nguy cơ về sức khỏe nên hầu hết khi đi mua thuốc, chẳng ai dám mặc cả giá. Bởi theo họ, mặc cả trong tình huống này cũng chính là mặc cả với tính mạng của mình. Chỉ đến khi tình cờ đi mua ở một tiệm nào khác hoặc được bạn bè người thân giới thiệu cho hiệu thuốc khác giá rẻ hơn thì nhiều người mới “té ngửa” khi biết mình mua hớ. Nắm bắt được sự “mù mờ” của người tiêu dùng nên nhiều nhà thuốc đã nhân đà này để tự động đưa ra những mức giá bán lẻ đắt đỏ nhằm sinh lãi nhanh nhất.

Theo quy định của Bộ Y tế, tân dược bán lẻ phải được niêm yết giá đầy đủ. Nếu nhà thuốc nào không niêm yết hay niêm yết giá không đầy đủ sẽ bị phạt tiền. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, ngoài một số nhà thuốc lớn có bảng niêm yết giá thuốc thì hầu hết các hệ thống nhà thuốc bán lẻ, đặc biệt các nhà thuốc ở các con phố, con ngõ nhỏ thì vẫn luôn “ngó lơ” quy định này. Nhiều nơi cũng niêm yết giá nhưng chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng và giở đủ chiêu trò để “móc túi” người tiêu dùng.

Nhiều nhà thuốc không niêm yết giá hoặc niêm yết mang tính đối phó (ảnh minh họa)

Bởi vậy nên có một thực trạng, cùng một toa thuốc (cùng biệt dược, cùng hàm lượng và do một công ty sản xuất) thì giá vẫn chênh lệch nhau từ vài nghìn, chục nghìn đến hàng trăm nghìn.

Chị Phạm Chi (Cầu Giấy, HN) bị viêm xoang nên thường xuyên phải dùng thuốc xịt mũi. Loại chị hay dùng là dung dịch xịt mũi Flixonase. Thông thường, chị hay mua thuốc ở gần nhà với giá 140.000 đồng/lọ. Một lần tình cờ hiệu thuốc này đóng cửa, chị mua ở hiệu thuốc cách đó vài chục mét thì lại thấy cũng là loại thuốc đó song giá bán lại chỉ là 120.000 đồng/lọ. Chị bày tỏ: “Mình đi mua, người ta nói sao thì biết vậy, nếu biết chỗ nào mua rẻ hơn mà uy tín thì lần sau lại đến đó mua chứ có đôi co rồi bày tỏ bức xúc với chỗ “hét giá” thì cũng chẳng giải quyết được gì, người ta sẽ lại viện hết cớ này cớ nọ để chối đây đẩy thôi”.

“Đánh đu” với túi tiền

Bộ Y tế chỉ quản lý được giá thuốc trong bệnh viện, còn ở ngoài thị trường tự do, giá thuốc vẫn “thả” cho các cơ sở kinh doanh tự quyết, chính vì thế giá thuốc tại các hiệu thuốc nhỏ lẻ khác nhau luôn có sự chênh lệch.

Theo khảo sát tại các nhà thuốc khu vực đường Láng, Kim Mã, Mai Dịch, Nghĩa Tân, Cầu Giấy… rất ít các hiệu thuốc nhỏ lẻ có bảng niêm yết giá. Dường như việc ấn định giá thuốc bao nhiêu giờ đã là quyền của chủ cơ sở kinh doanh. Ví dụ, khi PV Chất lượng Việt Nam hỏi mua thuốc tiểu đường tiêm SCILI – N, lọ 10ml/40IU/ml, có hiệu bán giá 80.000 đồng song cũng có hiệu bán với giá 90.000 đồng. Tình trạng loạn giá này khiến người tiêu dùng rơi vào tình cảnh phải “đánh đu” với chính túi tiền của mình.

Một dược sỹ cho biết, thuốc tân dược loạn giá nhất hiện nay là kháng sinh và thuốc bổ, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng giá cả chênh lệch giữa các cửa hàng là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và có nhiều công ty gia công mẫu mã, thuốc nhái theo các hãng của nước ngoài. Một phần khác là do thuốc bảo hiểm bị tuồn ra ngoài và bán với giá rất rẻ...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến loạn giá là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn bán với giá rẻ hơn (ảnh minh họa)

Theo BS Lê Quang Lộc (Nguyên Trưởng khoa Da liễu, BV Xanh – Pôn HN), có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự loạn giá thuốc tân dược. Thứ nhất là sự gian dối của người bán hàng. “Tôi được biết rất nhiều dược sỹ đứng tên thành lập hiệu thuốc không trực tiếp bán hàng mà là thuê nhân viên. Đa số nhân viên chỉ đi học vài tháng để được cấp cái bằng dược tá để đủ tiêu chuẩn đứng bán hàng. Nếu vắng người chủ thì họ có thể tùy tiện hét giá”, ông nói.

Trong suốt quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, ông đã đối diện với thực tế là hỏi tình cờ những bệnh nhân khác nhau xem họ mua thuốc ở đâu, giá cả thế nào thì họ nói rất khác nhau. Ông ví dụ: “Có một số loại thuốc của Hàn Quốc, giá bán dao động từ 13.000 – 14.000 đồng song cũng có những chỗ bán đến 17.000 đồng cho bệnh nhân. Tôi nghĩ chưa chắc người chủ đã chỉ đạo giá bán này mà là do nhân viên tự phát làm việc đó”.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến loạn giá, theo BS Lộc là do người tiêu dùng mù mờ, ít quan tâm về giá thuốc. Người bán hàng cứ nói bao nhiêu là mua bấy nhiêu, chứ không thắc mắc khi bị mua giá cao. Chính điều này đã khiến các hiệu thuốc được đà, họ viện đủ lý do thuốc này giờ hiếm, giờ không nhập để đẩy giá cao hơn… “Có loại thuốc bôi mụn trứng cá cách đây khoảng hơn 1 năm giá khoảng 160.000 – 170.000 đồng nhưng giờ giá đã lên tới mức gần 400.000 đồng”, ông cho biết.

Điều 10, Chương III, về niêm yết giá tại cơ sở bán lẻ thuốc trong Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT, hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc dùng cho người quy định: “Các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng cách in hoặc ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, đảm bảo không che khuất nội dung của nhãn gốc và không được bán cao hơn giá đã niêm yết”.

Theo Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế đã được Chính phủ ban hành, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá các mặt hàng thuốc đang bày bán hoặc niêm yết không đúng quy định; bán thuốc cao hơn giá niêm yết.

Thanh Thu 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang