Ma tuý đe doạ nghiêm trọng Đông Nam Á

author 16:51 01/07/2012

(VietQ.vn) - Báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển các loại ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước; xuất hiện các thủ đoạn sản xuất ma túy mới thông qua con đường tân dược.

Tội phạm ma túy châu Phi hoạt động mạnh trở lại

Nhà chức trách nhận định, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và gia tăng sản xuất bất hợp pháp các chất ma túy tổng hợp, đặc biệt là methamphetamine là hai vấn đề đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng ở khu vực Đông và Đông Nam châu Á hiện nay. 
 
Kết quả khảo sát công bố gần đây của UNODC cho thấy diện tích trồng thuốc phiện ở Đông Nam Á đã tăng gấp đôi kể từ 2006. Trong đó sản lượng ở Myanmar chiếm phần lớn và gia tăng không ngừng trong 5 năm qua (với diện tích gieo trồng 43.600 ha năm 2011, Myanmar tiếp tục là nước có diện tích gieo trồng thuốc phiện lớn nhất Đông Nam Á và thứ hai thế giới, sau Afghanistan). 
 
Công an bắt giữ 1 đường dây buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy
Công an bắt giữ 1 đường dây buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy
 
Buôn bán methamphetamine đã gia tăng đáng kể ở khu vực trong những năm gần đây. Methamphetamine dạng viên được sản xuất tại Myanmar và phần lớn trong số đó được vận chuyển sang các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, hiện đã tăng lên gấp 4 lần, từ 32 triệu viên năm 2008 lên 136 triệu viên năm 2011.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, 6 tháng đầu năm 2012 số người được cai nghiện là 16.000/35.000 lượt người (đạt 45,4% so với kế hoạch. Trong đó, cai tại trung tâm 9.400 lượt người (chiếm 58,7%), cai tại cộng đồng 6.600 lượt người (đạt 41,3%). Quản lý sau cai 9.000/20.000 người (bằng 45% kế hoạch năm). Dạy nghề cho 4.200/10.000 người (đạt 42% so với kế hoạch); hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 2.045 người nghiện và quản lý sau cai nghiện (đạt 48,69%). Xây dựng mới 483/1.000 xã, phường lành mạnh không có mại dâm, ma túy.
 
Đáng chú ý là sự gia tăng hoạt động trở lại của các tổ chức tội phạm châu Phi sau một thời gian tạm lắng. Trước đây các tổ chức này vốn chủ yếu tham gia vận chuyển cocaine và heroin thì nay đã chuyển sang buôn bán ma túy tổng hợp (MTTH).
 
Theo nhận định của nhà chức trách, để tránh bị phát hiện, các tổ chức phạm tội sử dụng đối tượng vận chuyển lẻ từ khu vực Trung Đông, Đông Âu và châu Á, đồng thời khai thác các tuyến mới. 
 
Trong khu vực, các nhóm buôn lậu ma túy thường xuyên thuê phụ nữ các nước sở tại vận chuyển ma túy với số lượng ngày càng lớn qua đường hàng không. Các tổ chức tội phạm ma túy châu Phi tiếp tục gia tăng hoạt động ở Đông Nam Á, coi đây là địa bàn để phát triển sang các khu vực khác. 
 
Tình trạng buôn bán và sử dụng ketamine, một chất gây ảo giác thường được sử dụng chủ yếu trong thuốc thú y đang là vấn đề quan tâm của một số nước trong khu vực. 
 
Đáng chú ý, ketamine không nằm trong danh mục kiểm soát quốc tế, khiến chất này bị thất thoát và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Năm 2011, theo báo cáo, sử dụng ketamine đã gia tăng ở Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam. Lượng ketamine bị thu giữ là 5,7 tấn. 

Sản xuất ma túy móc nối với cơ sở kinh doanh tân dược
 
Theo Bộ Công an, hiện trên các tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung, các lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Điển hình: Ngày 30/1/2012 (tức mùng 8 tết Nhâm Thìn) lực lượng Công an phối hợp với hải quan phá chuyên án CA112M, thu 10 bánh heroin; ngày 1/2/2012 Công an huyện Mộc Châu phá chuyên án CA122H, thu 19 bánh heroin; vụ thu 10 bánh cần sa ở Nghệ An ngày 23/2/2012... 
 
Đặc biệt ngày 8/4/2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Bô Ly Khăm Xay bắt giữ đối tượng Xiêng Phênh (đối tượng nằm trong đường dây vụ án Vũ Xuân Trường trước đây) có hành vi vận chuyển trái phép 39 bánh heroin; ngày 10/6/2012, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với C47 Bộ Công an đã tiến hành phá chuyên án vận chuyển ma túy lớn từ Tây Bắc về Bắc Giang, bắt hai đối tượng, thu giữ 62 bánh heroin và nhiều tang vật liên quan.
 
 
Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất năm 2012. Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc. Hiện tại, một số địa phương đang triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc. 
 
Các đối tượng vận chuyển ma túy sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm để chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Ngày 12/4/2012, trong quá trình bắt giữ tội phạm ma túy tại khu vực Sốp Cộp – Sơn La, các đối tượng đã dùng súng quân dụng chống trả làm 3 cán bộ công an bị thương.
 
Đáng chú ý là tình trạng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” có biểu hiện gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, loại ma túy này xuất hiện ở hầu khắp các địa bàn, gây nguy hại cao cho người sử dụng. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ; đặc biệt ở các địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. HCM vẫn diễn ra phức tạp. Đáng báo động là nhiều vụ có sự tham gia của các em học sinh. 
 
Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện, bắt giữ 21 vụ/50 đối tượng mua bán, vận chuyển MTTH, thu giữ hơn 64,92 kg (hơn 23,12 kg so với cả năm 2011). Điển hình như vụ phát hiện, thu giữ 3,918 kg MTTH dạng đá ở Nghệ An ngày 23/12/2011; vụ thu 5 kg + 13.022 MTTH tại Quảng Trị ngày 25/2; vụ thu 14 kg MTTH ở Tây Ninh ngày 1/2/2012 và vụ thu giữ 1,12 kg MTTH tại TP. HCM ngày 9/3/2012...
 
Trong thông cáo phát đi, Bộ Công an cho biết bên cạnh việc điều chế MTTH bằng phương pháp thủ công với các nguyên liệu sẵn có từ các loại hóa chất, thuốc ho, thuốc trị bệnh cảm cúm, một số đối tượng là người Việt Nam từng sống, lao động ở nước ngoài có kiến thức về hóa lý đã móc nối với các đối tượng phạm tội mang quốc tịch nước ngoài để tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp dạng đá với quy mô lớn hơn. 
 
"Dân bay" ở vũ trường bị kiểm tra hành chính vì nghi ngờ sử dụng ma túy
"Dân bay" ở vũ trường bị kiểm tra hành chính vì nghi ngờ sử dụng ma túy
 
Điển hình như vụ C47 phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An và Hà Nội bắt giữ 4 đối tượng có hành vi sản xuất và mua bán MTTH dạng đá tại Nghệ An, thu giữ 1,2 kg MTTH dạng tinh thể cùng nhiều hóa chất, dụng cụ phương tiện để sản xuất MTTH ngày 30/3/2012.
 
Trên tuyến hàng không từ nước ngoài về Hà Nội và TP.HCM đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển methamphetamine dạng tinh thể, cầm đầu các đường dây là những tên tội phạm ma túy người châu Phi, chúng không chỉ lợi dụng người Việt mà còn móc nối với các đối tượng có quốc tịch Thái Lan, Campuchia, Philippines, Indonesia... để vận chuyển ma túy tổng hợp. 
 
Liên tiếp từ  ngày 23/4 đến ngày 30/4/2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ  5 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, thu giữ 18,1 kg methamphetamine. Thủ đoạn của các đối tượng là cất giấu ma túy vào vali 2 đáy mà các máy soi không phát hiện được. Một số đối tượng đã nhiều lần nhập cảnh và vận chuyển trót lọt MTTH vào Việt Nam.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong niên vụ 2011-2012 cả nước đã phát hiện và triệt xóa 37,8 ha cây có chứa chất ma túy (tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2011), trong đó cây thuốc phiện là 34 ha, còn lại là cây cần sa 3,8 ha. Bên cạnh đó, tình trạng trồng cây cần sa xen lẫn các loại cây trồng khác tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có chiều hướng gia tăng (các tỉnh phát hiện và triệt xóa nhiều như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Tháp...). Đáng chú ý, tại Quảng Nam đã phát hiện một số đối tượng trồng lén lút cây cần sa giữa lòng thành phố Tam Kỳ để trực tiếp sử dụng, thỏa mãn cơn nghiện.
Sáu tháng đầu năm 2012, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý đã phát hiện, điều tra hơn 10.000 vụ, bắt giữ gần 14.600 đối tượng có liên quan đến tội phạm về ma túy (nhiều hơn trên 370 vụ và trên 900 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái), thu giữ 210,5 kg heroin; 70,84 kg thuốc phiện; gần 1,5 tấn cần sa tươi và 96,1kg + 6 bánh cần sa khô; 121,38 kg + 365.988 viên MTTH cùng nhiều tang vật, tài sản khác...
 
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 10.239 vụ/13.315 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 6.570 vụ/ 8.085 bị cáo. 
 
Về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, Bộ Công thương đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về kiểm soát hoạt động mua bán tiền chất sử dụng trong công nghiệp, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép, xuất nhập khẩu tiền chất, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh tiền chất. 
 
Sáu tháng đầu năm 2012, Bộ Công thương đã cấp 350 giấy phép cho hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu tiền chất. Số lượng nhập khẩu khoảng 350.000 tấn và 400.000 lít các loại tiền chất. 
 
Các tiền chất có nguy cơ cao được quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khâu sử dụng (như acetic anhydride nhập khẩu 222 tấn). Có khoảng 40 doanh nghiệp xin xuất khẩu tiền chất, chủ yếu là các tiền chất được sử dụng vào các khu công nghiệp, khu chế xuất với mục đích phục vụ trực tiếp cho sản xuất của doanh nghiệp hoặc để xử lý nước thải…
 
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, bộ đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức đoàn kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tại cửa khẩu phía Nam, đã phát hiện và xử lý kịp thời một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuốc tân dược vi phạm. 
 
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, qua các vụ việc bị phát hiện, có thể thấy hệ thống văn bản pháp quy của chúng ta về quản lý dược còn quá lỏng lẻo, chính vì vậy tội phạm mới lợi dụng mua những loại thuốc này, tức là cứ có tiền mua bao nhiêu cũng được ở các cơ sở kinh doanh dược. Sau đó chúng móc nối với các cơ sở được phép nhập, bán, xuất những thuốc có chứa chất gây nghiện và tiền chất để mang đi tách chiết, sản xuất MTTH.
 
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm ma túy, tuyên truyền tích cực tới người dân để cùng phối hợp với lực lượng chức năng chống lại loại tội phạm này. 
 
Mạnh Phan 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang