Mắc áo, tháp điện gió sẽ bị áp thuế phá giá "khủng" tại Mỹ

author 07:48 21/12/2012

(VietQ.vn) - Với kết luận sơ bộ về các hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp, DOC đã đưa ra mức thuế chống bán phá gía rất cao đối với hai mặt hàng mắc áo bằng thép và tháp điện gió của Việt Nam.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) cho vừa phát đi thông báo, doanh nghiệp Việt  Nam sản xuất mắc áo bằng thép đã nhận các khoản trợ cấp trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ Chính phủ. 

Theo DOC, đối với vụ việc chống trợ cấp, hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam là Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đông Nam Á Hamico (Hamico) và Công ty TNHH công nghiệp móc áo Cao Quý (Cao Quý) đều đã nhận được các khoản trợ cấp trái với quy định của WTO từ Chính phủ. Các khoản này gồm: Ưu đãi tiền thuê đất; Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; Ưu đãi thuế xuất nhập khẩu; Ưu đãi cho vay xuất khẩu.

DOC có kết luận về điều tra chống phá giá đối với sản phẩm mắc áo bằng thép của Việt Nam. Ảnh: Minh họa
DOC có kết luận về điều tra chống phá giá đối với sản phẩm mắc áo bằng thép của Việt Nam. Ảnh: Minh họa

Từ những căn cứ này, DOC đã xác định biên độ trợ cấp với từng bị đơn, cụ thể: Công ty Hamico 21,25% biên độ trợ cấp sơ bộ và 31,58% biên độ trợ cấp cuối cùng; Công ty Cao Quý 11,03% biên độ trợ cấp sơ bộ và 90,42% biên độ trợ cấp cuối cùng. Mức xác định trên toàn quốc là 16,14% biên độ trợ cấp sơ bộ và 31.58% biên độ trợ cấp cuối cùng.

Riêng đối với bị đơn Cao Quý, do doanh nghiệp này đã rút lui vụ kiện tại thời điểm thẩm tra nên DOC đã sử dụng “dữ liệu sẵn có bất lợi” để tính toán biên độ trợ cấp nên công ty Cao Quý đã bị áp mức thuế rất cao.

Trong vụ việc chống trợ cấp, DOC kết luận rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi từ khoản trợ cấp xuất khẩu. Vì vậy, theo quy định pháp luật Hoa Kỳ, DOC sẽ phải điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá có tính đến các khoản trợ cấp xuất khẩu này.

Theo thông lệ, DOC sẽ yêu cầu các khoản đặt cọc bằng tiền mặt trong vụ việc chống bán phá giá bằng với biên độ phá giá trừ đi 6,17% (là mức trợ cấp xuất khẩu). DOC cũng sẽ ra lệnh tiếp tục dừng việc thanh khoản đối với các lô hàng và yêu cầu phải nộp khoản tiền đặt cọc tương đương với mức thuế chống trợ cấp cuối cùng nếu Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đưa ra quyết định là có thiệt hại đối với ngành sản xuất mắc áo trong nước.

Đối với vụ việc chống bán phá giá đối với mặt hàng mắc áo bằng thép, DOC xác định mức thuế chống bán phá giá riêng rẽ đối với bị đơn gồm Công ty TNHH CTN, Công ty TNHH Ju Fu và Công ty mắc áo Triloan là 135,81% biên độ phá giá sơ bộ, 157,00% biên độ phá giá cuối cùng.

Dự tính mức thuế phá giá đối với mắc áo bằng thép và tháp điện gió của Việt Nam sẽ rất cao. Ảnh: Minh họa
Dự tính mức thuế phá giá đối với mắc áo bằng thép và tháp điện gió của Việt Nam sẽ rất cao. Ảnh: Minh họa

Do bị đơn TJ Group rút lui khỏi cuộc điều tra nên đã được DOC đưa vào danh sách các doanh nghiệp phải chịu thuế suất toàn quốc (cao hơn thuế suất riêng rẽ rất nhiều).

Doanh nghiệp bị đơn bắt buộc Hamico cũng không được áp thuế suất riêng dành cho bị đơn bắt buộc do Hamico đã không hoàn thành việc trả lời những bản câu hỏi của DOC, theo đó Hamico cũng phải chịu thuế suất toàn quốc.

Đối với mức thuế suất toàn quốc, DOC đã sử dụng “dữ liệu sẵn có bất lợi” để tính toán biên độ phá giá nên mức thuế rất cao.

Đối với mặt hàng thép điện gió, DOC cũng công bố kết luận cuối cùng về biên độ phá giá trong vụ điều tra đối với sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, biên độ phá giá được xác định đối với  các công ty của Việt Nam là từ 50,51% tới 58,49%.

Dự kiến ngày 31/1 năm 2013, ITC sẽ ra quyết định cuối cùng về thiệt hại của ngành sản xuất mắc áo trong nước nhằm xác định xem có thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước hay không. Trong trường hợp ITC xác định có thiệt hại, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp dự kiến vào ngày 7-2-2013.

Dự kiến Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại muộn nhất vào ngày 31/1/2013. Nếu kết luận có thiệt hại, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá dự kiến vào ngày 7/2/2013.

Trong trường hợp ITC xác định rằng không có thiệt hại thì cả hai vụ việc sẽ được chấm dứt.

Theo Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu các mức thuế được thực thi trên thực tế, các doanh nghiệp liên đới nói riêng và cả ngành hành mắc áo bằng thép, tháp điện gió sẽ chịu tác động rất nặng nề. Với những kết luận sơ bộ của DOC, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, chứng minh sự trong sạch của doanh nghiệp, bảo vệ hai ngành hàng là mắc áo bằng thép và tháp điện gió phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.

Các kết luận cuả DOC hiện chũng chưa đầy đủ và sẽ có tác động đến hàng ngàn người lao động Việt Nam, đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập giảm mạnh như hiện nay, các mức thuế chống bán phá giá được áp dụng có thể làm hàng ngàn người lao động Việt Nam thất nghiệp.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang