'Mắc bẫy' với thương hiệu du lịch nhái

author 14:17 29/05/2017

(VietQ.vn) - Tình trạng làm nhái, làm giả thương hiệu du lịch nhằm trục lợi đã khiến một số doanh nghiệp du lịch chân chính điêu đứng, còn người tiêu dùng mất đi nhiều quyền lợi vì sử dụng dịch vụ kém chất lượng.

Sự kiện: Du lịch mùa hè

Doanh nghiệp “than trời”, khách du lịch thiệt đủ thứ

Từ nhiều năm qua, hành vi làm nhái, làm giả trang web, sản phẩm, thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch nổi tiếng đã trở thành vấn nạn không dễ giải quyết để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các công ty du lịch, hành vi “kinh doanh bẩn” này còn khiến du khách mất đi nhiều quyền lợi.

Trước đây, Công ty du lịch HanoiRedtours đã không ít lần lên tiếng đòi công lý khi bị "sao chép" tên đăng ký. Mặc dù đã được bảo hộ thương hiệu, song công ty vẫn bị hai đơn vị lữ hành khác cố tình đăng ký trùng tên, chỉ thay đổi tên địa phương, gây ra hiểu nhầm đây là một chi nhánh của công ty. Thậm chí, ngay cả tên miền website của HanoiRedtours cũng bị bắt chước về thiết kế, mầu sắc, lo-go.

 Một loạt công ty du lịch có tên na ná các doanh nghiệp có uy tín dễ gây hiểu lầm cho khách hàng

Ngoài trường hợp của HanoiRedtours, nhiều công ty nằm trong tốp mười đơn vị lữ hành hàng đầu của du lịch Việt Nam như: Hòa Bình, Lửa Việt, Saigontourist, BenThanhtourist... cũng thường xuyên bị mạo danh thương hiệu và đã phải rất khó khăn để ứng phó với vấn nạn này trong những năm qua.

Tình trạng nhái, làm giả thương hiệu du lịch còn trở nên nguy hiểm hơn khi có một số cơ sở lữ hành lấy sản phẩm du lịch của các đơn vị khác để chào bán giá rẻ hơn, phá giá thị trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bạn...

Theo nhiều chuyên gia, những chiêu trò gian lận thay số điện thoại, dẫn đường link về website hay "nhái" thương hiệu là hành vi lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh để chiếm đoạt thị trường, nguồn khách, đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Không những làm tổn hại uy tín thương hiệu và hoạt động kinh doanh của các công ty làm ăn chân chính, trực tiếp gây thiệt hại cho khách du lịch, hành vi này còn gây rối loạn thị trường, làm giảm sút uy tín và hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia.

Chị Vũ Thị Hải Yến ( Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), người đã từng "nếm trái đắng" khi mua tour và sử dụng dịch vụ du lịch của một website nhái Công ty Du lịch SG.Tourist. "Tin tưởng một thương hiệu lớn trong ngành du lịch, tôi đã đặt dịch vụ của công ty này, thế nhưng trái với những cam kết, dịch vụ tour của công ty này dành cho chúng tôi quá dở tệ. Khi khiếu nại thì té ra đây chỉ là "chi nhánh nhái" chứ không phải của Công ty Du lịch SG.Tourist như website này quảng cáo.

"Tiền mất không ức chế bằng biết mình bị lừa mà không thể khiếu nại", chị Yến cho biết.

“Nhái” đủ kiểu, biết nhưng khó kiểm soát

Theo bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết trước đây Công ty Du lịch Hòa Bình là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Khoảng giữa năm 2011, công ty được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam. Biết thông tin, một nhân viên công ty đã thành lập một doanh nghiệp khác lấy tên Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình TP.HCM và “mượn” luôn cả logo, chương trình tour và hình ảnh của Hòa Bình Việt Nam để quảng bá.

Cũng theo bà Hà, sự xuất hiện của Hòa Bình TP.HCM đã gây tổn hại cho Hòa Bình Việt Nam vì khi họ chào tour thì khách hàng tưởng là Hòa Bình Việt Nam. Khách hàng đến phản ánh tour không chất lượng, Hòa Bình TP.HCM giải thích họ là chi nhánh Hòa Bình Việt Nam…

Bà Trần Thị Mộng Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Vận chuyển Hành Trình Việt, chia sẻ dẫu chỉ là một công ty nhỏ hoạt động 14 năm trong ngành nhưng cũng bị nhái đủ kiểu.

Hiện đã có gần 10 công ty mang tên Hành Trình Việt với một vài thay đổi nhỏ. “Các doanh nghiệp mạo danh đặt vé xe giá rẻ nhưng sau không thanh toán khiến các đối tác gửi hóa đơn đến công ty tôi đòi thanh toán. Nhờ luật sư can thiệp thì không xử lý được. Đối chất thì họ trưng giấy phép kinh doanh ra nên cũng không biết phải xử lý thế nào” - bà Hồng bức xúc.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt, khi công ty làm đơn khởi kiện thì doanh nghiệp kia kiện ngược lại vì họ cũng có giấy phép đàng hoàng.

“Chẳng thể hiểu nổi. Có trường hợp khách hàng gọi đến chúng tôi bảo chờ mãi không thấy ra hướng dẫn, sau tìm hiểu mới biết công ty nhái lấy cả tờ hướng dẫn chương trình có số điện thoại liên lạc của chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Mỹ bức xúc nói.

Người tiêu dùng cần thận trọng và tỉnh táo khi lựa chọn dịch vụ du lịch ( Ảnh minh họa)

Chống 'hàng giả' liệu có bó tay?

Theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, để xảy ra tình trạng trên là do Luật Doanh nghiệp và các nghị định, thông tư đi kèm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp có nhiều điểm chưa chặt chẽ. Từ đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đăng ký trùng tên gọi với doanh nghiệp khác mà pháp luật khó xử lý. Thậm chí, hầu hết công ty “nhái” đều có giấy phép đăng ký kinh doanh khiến các vụ khiếu nại, kiện tụng liên quan đến tranh chấp thương hiệu thường không thể “hạ hồi phân giải”. Trong khi đó, để khẳng định tên tuổi trên thị trường, các thương hiệu đích thực phải mất rất nhiều thời gian gây dựng nhưng lại đang phải chịu thiệt hại do khách hàng nhầm lẫn. Không chỉ doanh nghiệp mà du khách cũng bị ảnh hưởng khi sử dụng những tour kém chất lượng do các công ty “nhái” đưa ra.

Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định, tên riêng của doanh nghiệp bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nếu giống từng từ trong cả tên thì mới bị xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Vì vậy, doanh nghiệp đăng ký sau chỉ cần thay đổi một từ, hoặc sử dụng tên riêng ghép vào là đương nhiên được cấp phép đăng ký kinh doanh. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình, bà Hoa Lệ, hình thức “nhái” thương hiệu phổ biến hiện nay là sử dụng nguyên cái tên đã có uy tín trên thị trường, chỉ thêm vào một từ chỉ loại hình doanh nghiệp khác, hoặc từ chỉ địa danh. Chẳng hạn, nhiều công ty “nhái” đã thêm một vài từ vào phía trước tên thương hiệu như: cổ phần, dịch vụ, thương mại, sự kiện, hay thay chữ Tourist bằng Travel… là đủ điều kiện để “mập mờ” với khách hàng và nghiễm nhiên đi vào hoạt động mà không sợ bị “sờ gáy”.

Trước tình trạng làm giả thương hiệu du lịch như trên, một số luật sư đã đề ra giải pháp phòng vệ cho doanh nghiệp hiện nay vẫn là đăng ký Sở hữu trí tuệ, đồng thời nên mua lại các tên miền liên quan đến tên doanh nghiệp mình. Đã có trường hợp doanh nghiệp mua gần 20 tên miền cho tên của mình và đó là một phòng vệ tốt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện cũng đang cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của các cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Lữ hành trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp, không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của những đơn vị không đủ tiêu chuẩn hoặc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, kiểm tra, xử lý thật nghiêm và phạt nặng việc gian lận, mạo danh uy tín thương hiệu đơn vị khác để trục lợi, nhằm làm trong sạch, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Bảo Bình


Nhái cả tên gọi, thương hiệu và trang web, bê nguyên cả chương trình - cách thiết kế nội dung tour tuyến… Đó là những bức xúc của doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo “Vai trò pháp luật trong bảo vệ thương hiệu du lịch Việt” do Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) tổ chức tại TP.HCM chiều 4/12
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang