Mặc cảnh báo, 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với 'sát thủ' hại vợ con

author 15:53 19/10/2017

(VietQ.vn) - Mặc các cảnh báo hằng năm được đưa ra không có sản phẩm tiêu dùng nào giết chết nhiều người và chết một cách vô ích như thuốc lá.

Tâm sự đau lòng của người dùng Facebook Anne Nguyen hồi đầu tháng 5/2017 đã khiến không ít người thương cảm cũng như sợ hãi trước câu chuyện vừa lạ, vừa quen này. Chỉ trong một thời gian ngắn, trạng thái đã thu hút hàng chục nghìn lượt Thích và Chia Sẻ, Bình Luận. Facebook Anne Nguyen viết:

Con tôi bị ho biến chuyển rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi có tiếng rít. Khi đưa vào cấp cứu do con lên cơn khó thở, thì nồng độ oxy máu thấp quá.

Khi bác sĩ hỏi "nhà có ai hút thuốc không?", tôi đã nói có ông trẻ và bố cháu. Nhưng cháu rất ít tiếp xúc và khi hút thuốc mọi người đều tránh cháu, ra ngoài hút xong mới vào.

Bác sĩ lắc đầu và nói: "Chị có biết mặc dù gia đình chị đã có ý thức bảo vệ con nhưng vẫn rất nông cạn không? Chị có biết người hút thuốc lá họ hít sâu hơi thuốc ấy vào trong phổi của họ, khói thuốc bay lên và tan đi là cái mà chị nhìn thấy còn hơi thuốc nồng đậm phả ra dần qua hơi thở của người hút thuốc nguy hiểm như thế nào không. Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc. Bên này tôi dẫn chị đi xem một cháu bé nằm điều trị viêm phổi cấp đã hai tuần chưa được ra viện, phổi chuyển màu vì hít hơi thuốc thụ động từ ông nội. Họ cũng nói khi hút thuốc thì ông ra sân, hút xong mới vào…"

Và bác sĩ chắc chắn đối với 1 đứa trẻ đề kháng kém đã từng viêm tiểu phế quản như con thì hơi khói thuốc chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.

Mặc cảnh báo, 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với 'sát thủ' hại vợ, giết con này

Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc. Ảnh: Trí thức trẻ 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng chia sẻ câu chuyện có thật tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP HCM). Theo đó, cô giáo N.T.H (41 tuổi, ngụ TP Hà Nội) dù không hút thuốc lá nhưng lại mắc bệnh ung thư phổi từ chính thói quen của chồng. Từ khi biết vợ mắc bệnh, người chồng cũng đã bỏ hút thuốc nhưng sự hối hận này lại quá muộn màng. Sau 4 năm chống chọi với căn bệnh, cuộc sống của cô H. chỉ còn tính bằng ngày.

Không chỉ có cô H., trong phòng lưu bệnh chờ phẫu thuật ung thư phổi (BV Ung bướu TP HCM) những ngày đầu năm 2017 có nữ bệnh nhân trẻ N.T. N (ngụ tỉnh Bình Thuận). Nhà gần biển, chị N. sống với chồng vốn có thói quen hút thuốc. Trước khi lập gia đình, thể trạng chị bình thường, cân nặng 54 kg. Nhưng sau một thời gian, chị sụt ký nhanh chóng và đến khi đi khám mới phát hiện ra mắc ung thư phổi, theo NLĐ.

PGS-TS-BS Phạm Hùng Cường, Trưởng Khoa Ngoại 2 BV Ung bướu cho biết, trong số bệnh nhân ung thư phổi được phẫu thuật hằng tuần, nữ giới chiếm 1/3. Theo BS Cường, yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư phổi là khói thuốc lá. Ở nữ, nguy cơ hàng đầu là do hút thuốc lá thụ động. Ngoài ra, còn các tác nhân khác như ô nhiễm không khí, bụi amiăng, khí radon (trong vật liệu xây dựng)…

Về điều trị, theo TS-BS Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1 BV Ung bướu, mỗi năm, BV tiếp nhận khoảng 1.000 ca ung thư phổi mới, trong đó 80%-85% ở giai đoạn muộn, di căn xa khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, hiệu quả không cao. Số người đến khám khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, có thể can thiệp tốt bằng phẫu thuật ước tính chỉ khoảng 15%-20%.

Không có sản phẩm tiêu dùng nào giết chết nhiều người và chết một cách vô ích như thuốc lá

Không có sản phẩm tiêu dùng nào giết chết nhiều người và chết một cách vô ích như thuốc lá. Nó đã cướp đi sinh mạng 100 triệu người trong thế kỷ 20. Tại Việt Nam, con số tử vong do thuốc lá mỗi năm lên đến 40.000 người.

Ước tính mỗi năm người dân Việt Nam đã bỏ ra khoảng 14 nghìn tỷ đồng chỉ để mua thuốc. Và chi phí chỉ để chữa 3 loại bệnh chính gây ra bởi thuốc lá là hơn 2 nghìn tỷ. Tổng số tiền này (hơn 16 ngàn tỷ) gấp hơn 16 lần tổng đầu tư hàng năm của Ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

"Điều không thể chấp nhận là Việt Nam hiện là nước nghèo, nhưng lại chi gần một tỷ đôla mỗi năm cho mua thuốc lá và chữa một số bệnh liên quan đến nó", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Mặc cảnh báo, 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với 'sát thủ' hại vợ, giết con này

 “Hút thuốc thụ động thậm chí còn nguy hiểm hơn vì chỉ có hít mà không thở ra”. Ảnh: Genk 

Nhiều người hút thuốc lá biết rằng việc hút không chỉ có hại cho mình còn cho cả những người xung quanh, đặc biệt là vợ con, nhưng vẫn hút. Các bác sĩ đã khẳng định “Hút thuốc thụ động thậm chí còn nguy hiểm hơn vì chỉ có hít mà không thở ra”.

Có đến 69 chất độc gây ung thư trong hơn 200 chất độc có trong khói thuốc lá và chúng đều xâm nhập người hút thụ động. Khói thuốc lá có thể tồn tại ở không khí 2h, bất kể không nhìn hoặc ngửi thấy nó nữa. Vì vậy, người thường xuyên làm việc hoặc sống cạnh người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu/ngày.

Theo ý kiến của Bác sĩ: “Dòng thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng tồn đọng ở phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất độc cao hơn so với dùng khói thuốc chính thở ra từ người hút, mặc dù người hút có hút ở một phòng khác. Do đó, tác hại của tình trạng hít thuốc lá thụ động thể hiện rõ nhất trên các bệnh đường hô hấp.”

Theo công bố của Hiệp hội Ung thư Mỹ thì cứ mỗi giờ ở cùng phòng với người hút thuốc lá, nguy cơ bị mắc ung thư phổi cao gấp 100 lần sao với việc sống 20 năm trong tòa nhà chứa chất độc asen. Chỉ đơn giản ½ giờ phơi nhiễm khói thuốc, tiểu cầu đã kết dính dưới thành mạch máu thì hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng. Đó là lí do mà Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo: KHÔNG CÓ NGƯỠNG AN TOÀN CHO VIỆC HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG. Trong khói thuốc có đến 1/3 – ½ lượng Nicotin của thuốc lá đã hút, đặc biệt là có một lượng nhỏ coliđin – chất có mùi thơm nhưng rất độc, chỉ 1/20 giọt là đủ giết chết một con ếch.

Mặc cảnh báo, 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với 'sát thủ' hại vợ, giết con này

Thuốc lá có thể bỏ được và dễ bỏ hơn nhiều so với ma túy, thuốc phiện... vì hút thuốc lá được coi là "thói quen" chứ không phải "nghiện". Ảnh:Zing 

Tác hại của hút thuốc lá

Phụ nữ có chồng hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn so với phụ nữ có chồng hút thuốc lá; Nếu chồng hút từ 20 điếu trở lên thì nguy cơ mắc ung thư phổi của vợ tăng lên khoảng 2 lần; Đặc biệt, với thai phụ hít nhiều khói thuốc có thể gây sẩy thai, sinh con nhẹ cân hoặc chậm phát triển. Trẻ sơ sinh khi còn nằm trong bào thai cũng có thể bị nhiễm khói thuốc theo hình thức thụ động và có thể khiến trẻ bị đột tử. Nếu bị phơi nhiễm lâu dài, trẻ còn có thể chết vì ung thư hoặc vô sinh trong tương lai. Khói thuốc cũng làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận và tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt so với người không sống chung trong gia đình có người hút thuốc

Thuốc lá là kẻ giết người âm thầm nhưng ghê gớm không thua gì các loại virus nguy hiểm. Dù được cảnh báo từ lâu, song 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với "sát thủ" này.

Các bác sĩ khẳng định, thuốc lá có thể bỏ được và dễ bỏ hơn nhiều so với ma túy, thuốc phiện... vì hút thuốc lá được coi là "thói quen" chứ không phải "nghiện". Nhiều bệnh nhân đến khám phát hiện bệnh nặng được bác sĩ đề nghị bỏ thuốc thì bỏ được ngay, trong khi trước đó, vợ con bạn bè khuyên nhủ "không ăn thua".

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang