Mặc kệ Grab 'xin', Hà Nội vẫn quyết cấm dịch vụ đi xe chung GrabShare, UberPOOL

authorDương Phương Ngọc 10:48 28/07/2017

(VietQ.vn) - Mặc dù đại diện Grab cho biết, họ đang làm việc tích cực với Bộ GTVT và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành nhưng UBND Tp.Hà Nội vẫn cương quyết cấm dịch vụ đi xe chung GrabShare, UberPOOL.

Còn nhớ, vào tháng 6/2017, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Grab Việt Nam và Uber Việt Nam dừng dịch vụ đi xe chung GrabShare và UberPOOL vì cho rằng trái với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, đại diện Truyền thông Grab Việt Nam cho biết GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.

Đi Uber lợi thì có lợi nhưng... giày bẩn thì hãy dè chừng(VietQ.vn) - Nếu là người dùng ở Việt Nam, khi có nhu cầu di chuyển bằng ô tô, bạn sẽ chọn Uber, Grab hay taxi truyền thống?

Công ty đã và đang làm việc tích cực với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Bởi lẽ, Grab là đơn vị tiên phong chủ động đề xuất khung pháp lý cho mô hình GrabCar. Grab cũng đã giải thích và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định.

Mặc dù vậy, sau khi được Bộ GTVT hỏi ý kiến, UBND TP. Hà Nội mới đây đã có công văn trả lời chính thức Bộ GTVT, cho ý kiến về dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng.

TP. Hà Nội cho rằng tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn trong thời gian chờ quy định của Bộ GTVT đối với loại hình vận tải này nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Theo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình). Do vậy tối ưu hoá hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Loại hình vận tải này không phù hợp với quy định của Bộ GTVT trong tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

 Văn bản hỏa tốc của Bộ GTVT yêu cầu GrabTaxi không thực hiện dịch vụ GrabShare .

Ngoài ra, hình thức đi chung xe không có trong nội dung kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Hiện nay, quy định quản lý đối với hình thức vận tải này cũng chưa có.

UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu các giải pháp quản lý hình thức vận tải mới, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách đi xe.

Theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam, cho tới thời điểm này (ngày 28/7), khi khách hàng có nhu cầu đi xe, Grab vẫn cung cấp dịch vụ GrabShare.

Theo mức giá niêm yết trên ứng dụng Grab, trên cùng một quãng đường di chuyển, giá cước dịch vụ GrabShare rẻ hơn so với GrabCar và GrabTaxi khoảng 30-40%, đắt hơn GrabBike khoảng 50%.

Đơn cử như một đoạn đường đi từ Điện Biên Phủ tới phố Đức Giang, nếu di chuyển bằng GrabCar khách hàng phải trả 80.000 đồng, trong khi sử dụng dịch vụ GrabShare chi phí này chỉ là 62.000 đồng.

 Tính đến ngày 28/7, ứng dụng GrabShare vẫn được áp dụng. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều khách hàng tỏ ra nuối tiếc nếu như dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab bị dừng bởi với người tiêu dùng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, xăng xe đắt đỏ như hiện nay, quan điểm “bớt được đồng nào hay đồng ấy” vẫn luôn hiện hữu.

Anh Vũ Huy Hoàng (cư ngụ tại ngõ 193 Hoàng Văn Thái, Hà Nội) nhận xét: “Trên thương trường có câu “thuận mua, vừa bán”. Quyền lựa chọn dịch vụ là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Khách hàng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch với nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, nếu Grab và Uber cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung của dịch vụ đi chung xe mà người tiêu dùng vẫn lựa chọn sử dụng thì cơ quan nhà nước không thể ngăn cản”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng: Hình thức đi chung xe mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Với hành khách thì họ có thể tiết giảm chi phí vận tải, với đơn vị vận tải thì có thể tối ưu hóa năng lực vận tải và việc này có thể giúp giảm sự ách tắc tại các đô thị hiện nay vì nó không làm tăng thêm phương tiện vận chuyển.

 Nhiều người dùng cảm thấy nuối tiếc nếu dịch vụ đi chung này bị cấm.

Dưới góc độ pháp lý, một số luật sư đều đồng tình quan điểm khi cho rằng: Hợp đồng vận chuyển là sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu hành khách đồng ý sử dụng dịch vụ đi chung xe tức là họ đồng ý với việc sẽ có nhiều người cùng sử dụng chung dịch vụ với mình. Sự tự nguyện thỏa thuận này là phù hợp với nguyên tắc luật dân sự. Còn nếu cho rằng hình thức “đi chung xe” vướng quy định tại Thông tư 63/2014 thì Bộ GTVT nên nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này thay vì phải cấm đoán.

Thiết nghĩ: Hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì cần có hành lang pháp lý để tồn tại, hoạt động và việc này nên để hành khách lựa chọn. Nói như nguyên Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Cần bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm".

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang