"Mại dâm chắc chắn có nhưng không thống kê được"

author 08:06 18/06/2013

(VietQ.vn) - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Khá Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội.

Thời gian gần đây dư luận xôn xao việc một cán cán bộ cho rằng Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH Trà Vinh cho biết vấn đề mại dâm hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Bà Khá nêu ra, như trong luật xử lý vi phạm hành chính thì mại dâm phải đưa đi giáo dục, xử lý vi phạm. Nhưng có người nói mại dâm là một tệ nạn, hoặc một bệnh nhân phải đưa đi chữa bệnh, và cũng có ý kiến nói đó là một vấn đề của xã hội không phải áp dụng biện pháp chữa bệnh hay cải tạo gì cả. Cũng lại có ý kiến bỏ thì không quản lý được. Người nói nếu xử lý thì phải xử lý cả người mua lẫn người bán chứ không thể như luật của mình là chỉ xử lý người bán. Mại dâm có liên quan đến 2 đối tượng. Phải có người mua mới có kẻ bán chứ.
 
Quan điểm của bà Khá cho rằng tình hình mại dâm nó là một con số chìm. Rất là khó để đánh giá. Nói không có thì không đúng. Nói là có, thì có ở mức độ nào, thể hiện qua con số nào, cũng rất là khó. Tức là khó đánh giá tình hình. Rất nhiều người đến với mại dâm có lý do vì quá cực khổ, vì quá túng quẫn, nhưng cũng có lý do ăn chơi trác táng. Điều này đòi hỏi sự phân biệt để giúp đỡ họ chuyển nghề bằng cách tạo việc làm qua các tổ chức đồng đẳng, hướng nghiệp. Tôi nhắc lại mại dâm là con số chìm chứ không phải là con số nổi để có thể đánh giá mức độ. Chẳng hạn địa phương này chuẩn bị cho một cái đại hội, hội nghị gì đó thì họ đưa ra đánh giá địa phương tôi không có tệ nạn này. Nhưng thực sự, nếu đi sâu khảo sát chắc chắn có. Có nhưng không thống kê được.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH Trà Vinh
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH Trà Vinh
 
Thưa bà, như bà vừa nói mại dâm là con số chìm, nhưng đó chỉ là chìm trong cách đánh giá, quản lý, chứ thực tế thì mại dâm nổi chứ đâu có chìm?
 
Nổi, nhưng ai đếm được con số. Ai thống kê. Tôi vẫn nói là có, nhưng bao nhiêu? Chẳng hạn một người mại dâm ở chỗ này, nhưng 10 phút sau họ ở chỗ khác, 30 phút sau họ lại ở chỗ khác nữa. Nói nhiều hay ít là rất khó do chúng ta không thống kê được.
 
Câu chuyện không đánh giá, không thống kê phải chăng là một biểu hiện bỏ mặc của một số địa phương?
 
Tâm lý đó cũng không hẳn. Đúng hơn là không có biện pháp quản lý. Theo tôi biện pháp quản lý phải chặt nhưng cũng phải hợp lý. Muốn chặt, muốn hợp lý thì phải tạo điều kiện để họ có nghề nghiệp và kiếm sống bằng nghề nghiệp đó chứ không thể quản lý bằng cách bắt nhốt. Luật giờ cũng không cho phép làm như vậy nữa. Vả lại, việc tiếp cận với người mại dâm phải thông qua các tổ chức đoàn thể, xã hội chứ đâu phải ai cũng tiếp cận được.
 
Theo bà, vì sao chúng ta không thừa nhận mại dâm để quản lý cho tốt?
 
Thừa nhận với xã hội mình là chưa thể được. Nhưng nếu thừa nhận để cấp giấy hành nghề để khám chữa bệnh, để quản lý thì tôi nghĩ cũng được chứ. Có điều xã hội chưa đồng thuận đâu. Người ta sẽ nói vẽ đường cho hươu chạy. Đồng ý cho họ bán thì phải đồng ý cho những người đi mua à? Đây là câu hỏi khó đấy chứ. Xã hội Việt Nam đa văn hóa, tôn trọng quyền và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Công nhận mại dâm là rất khó và chưa thể làm được.
 
Có thế coi người mại dâm là đối tượng yếu thế trong xã hội cần được quan tâm, bảo vệ, thưa bà?
 
Đúng như thế. Và tôi nghĩ mình quan tâm tới họ bằng các tổ chức xã hội phi chính phủ, bằng các đoàn thể chứ không thể quan tâm bằng lực lượng công an. Tức là tạo điều kiện cho họ học nghề, chuyển đổi trước hết bằng việc khảo sát, điều tra tìm ra những nguyên nhân khiến họ phải làm nghề mại dâm.
 
Xin cảm ơn bà!
 
Lê Trang (ghi)
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang