Mải mê trồng lúa, nông dân Việt Nam bỏ quên rau quả?

author 17:00 25/08/2013

(VietQ.vn) – Trong khi mặt hàng rau quả và hoa có thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, gấp 7 lần lúa gạo, thì Việt Nam có kim ngạch rau hoa quả yếu nhất trong các mặt hàng nông sản.

Bỏ quên rau quả?

Tổ chức Thương mại thế giới WTO có một thị trường cục kỳ lớn: 6 tỷ khách hàng, 95% GDP của thế giới và kim ngạch nhập khẩu nông sản khổng lồ với hơn 1,3 tỷ USD năm 2010.

 Nhiều hộ sản xuất rau an toàn chưa tuân thủ chặt chẽ quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Tiến Nguyên
Nhiều hộ sản xuất rau an toàn chưa tuân thủ chặt chẽ quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Tiến Nguyên

Nhờ tham gia vào thị trường này mà kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã tăng từ 8,3 tỷ đô la vào năm 2006 lên 27,5 tỷ đô la năm 2012, gấp hơn 3 lần trước khi hội nhập.

Trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lúa gạo có thị trường nhập khẩu khoảng 17 tỷ đô la, cà phê và cao su là 8 tỷ đô la, chè khoảng 5 tỷ đô la, hạt điều và hồ tiêu khoảng gần 2 tỷ đô la.

Trong khi mặt hàng rau hoa quả (RHQ) có thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, khoảng 123 tỷ đô la, gấp 7 lần so với lúa gạo, thì Việt Nam có kim ngạch RHQ yếu nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của mình, chưa được 1 tỷ đô la.

Năm 2011, Việt Nam đã sử dụng 7,5 triệu hecta để trồng lúa, 11, triệu hecta trồng ngô, gần 2 triệu hecta trồng cao su, cà phê, hạt điều, dừa, trà, hạt tiêu và 1,5 triệu hecta trồng RHQ.

Rõ ràng, đây là bước phát triển không cân đối vì lúa vẫn mang tính độc canh, chiếm hơn 80% diện tích canh tác trong năm. Trong khi các loại cây trồng khác, đặc biệt là RHQ có thị trường xuất khẩu lớn hơn 7 lần thì lại ít phát triển, chỉ chiếm 16%.

Về mặt canh tác, yếu điểm của độc canh là dễ phát sinh bệnh hại, dẫn đến phải dùng lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn, làm ông nhiễm môi trường và người sử dụng.

Mặc dù đồng bằng sông Hồng trước đây là khu vực sản xuất rau lớn nhất cả nước, có diện tích khoảng 127 nghìn hecta (năm 1999). Nhưng vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có hệ thống bảo quản tốt và cơ sở chế biến hiện đại nên đã không thích hợp với tình hình kinh tế thị trường.

Phải thay đổi

Tuy Việt Nam đi tắt đón đầu nhờ lợi thế đi sau bằng cách du nhập, thử nghiệm, cải thiện để ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới để xây dựng nền nông nghiệp thích hợp. Nhưng chúng ta vẫn gặp khó khăn vì sự phát triển không đồng bộ trong công nghệ (sau thu hoạch, bảo quản, chế biến, ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP).

Trong tổ chức quản lý chưa hình thành được chuỗi ngành hàng đồng nhất nên không đạt được kết quả như ý muốn, làm các mặt hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam đều là những mặt hàng thô, không có giá trị cao về chất xám nên giá trị thấp, khoảng 50-60% giá trung bình của thế giới.

Vì vậy, cần chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cần thiết để ứng dụng trong canh tác. Sản phẩm nông nghiệp còn cần áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp GAP tốt và quy trình chế biến GMP đảm bảo an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Để làm được điều đó, nông dân phải được đào tạo để thực thi vai trò sản xuất của mình. Việt Nam cần chuyển giao công nghệ cho nông dân theo chuỗi ngành hàng, từ công nghệ cao đến những quy trình pháp lý.

TS Nguyễn Quốc Vọng

(ĐH Melbourne, Australia)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang