Mang bệnh vì khuôn gói giò inox “đểu”

author 08:39 07/01/2013

(VietQ.vn) - Nếu sử dụng khuôn inox gói giò, bảo quản thức ăn không đảm bảo chất lượng, người dùng rất dễ “dính” bệnh. Đặc biệt, khi các chất mạ là kim loại nặng lẫn vào thức ăn, lâu ngày tích tụ, gây hại cho sức khoẻ, thậm chí mang bệnh nan y, khó chữa.

Nguy cơ đưa kim loại nặng vào cơ thể

Trong quá trình làm giò, nguyên liệu gồm thịt, các loại phụ phẩm khác như mộc nhĩ, nấm hương… tương ứng với tùy loại giò trộn lẫn và được đưa vào khuôn. Nếu người làm không cẩn thận, không dùng khuôn giò inox đảm bảo chất lượng, loại inox được phép dùng trong chế biến thức ăn, không có lớp lót bảo vệ, ngăn cách tiếp xúc giữa “inox” và thức ăn có thể làm phai các hợp chất bên trong bề mặt của thành khuôn.

Hơn nữa, trong quá trình chế biến nguyên liệu, các gia vị như muối, mì chính, nước mắm… được đưa vào nguyên liệu giò để cho có hương vị đậm đà, ngon hơn, khi những gia vị này tiếp xúc với thành “inox” có thể làm quá trình thôi, oxy hóa nhanh hơn. Từ đó, các tạp chất, kim loại bị gỉ sét, thôi nhiễm diễn ra nhanh hơn và càng ngấm vào giò nhiều hơn.

Khi dùng khuôn gói nên dùng lá chuối lót hoặc nilon sạch để tránh tiếp xúc với thành khuôn, tránh thôi nhiễm kim loại. Ảnh minh họa

Điều đáng nói là hiện nay, do Việt Nam chưa sản xuất được inox nên phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài hoặc các cơ sở sản xuất tự mua phế liệu về nấu thành inox. Khi sản xuất ra các vật dụng, các cơ sở sản xuất thường pha tạp các loại kim loại để tạo thành phẩm “inox”, vừa chi phí thấp, giá thành sản phẩm lại cao, lãi cũng nhiều.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, inox cũng có nhiều loại, nhưng thường được chia thành 2 nhóm inox hít và không hít với nam châm. Inox không hít sử dụng thích hợp cho việc nấu thức ăn, inox hít thích hợp cho sản phẩm dao, muỗng nĩa do có độ cứng và bén.

Nhiều cơ sở sản xuất inox bằng cách thu mua phế liệu về nấu ra thành dạng thỏi, qua công đoạn cán, dập ép cho ra sản phẩm nhưng chưa khử triệt để tạp chất, thành phần không đúng mác inox quy định, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe

Trên thực tế, inox có thành phần chính là sắt, crom, niken. Sản phẩm tốt hay xấu phụ thuộc vào công thức sản xuất của từng hãng để cho ra sản phẩm phù hợp với công dụng sử dụng. Chẳng hạn inox có mác 304 thích hợp trong môi trường dùng để nấu thức ăn, mác 420 sản xuất dao, muỗng nĩa do có độ cứng và độ mài mòn cao, mác 316 chịu được môi trường axít, mác 430 có ưu điểm là giá rẻ nhưng dễ bị hoen gỉ. Một số cơ sở sản xuất không sử dụng kim loại đúng tiêu chuẩn, đúng mác nhằm hạ giá thành, đạt lợi nhuận cao.

Nhiều gia đình còn dùng chai nhựa để gói giò, trong trường hợp này dễ bị phai nhựa sang thức ăn. Ảnh minh họa 

Theo TS Nguyễn Ngọc Phong - Viện Khoa học Vật liệu, đối với các vật liệu mạ inox, để tạo giá thành rẻ hơn nữa, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, gây hại cho sức khoẻ, thậm chí dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...

Phân biệt inox thật, inox mạ

Ông Đinh Đức Thái - TP. Kinh doanh Công ty Cổ phần TM Nam Cường - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, sản xuất, gia công inox cho rằng, inox hay còn gọi là thép không gỉ thực chất là một hợp kim thép mà trong quá trình luyện kim, người ta thêm vào những nguyên tố như Niken (Ni), Crom (Cr), Titan (Ti), Cacbon (C), Đồng (Cu), Molypden (Mo), Si, P, N, Mn....Tùy vào tính chất của từng loại inox mà những nguyên tố trên được thêm vào sẽ có tỉ lệ và chủng loại khác nhau.

Như vậy sẽ có rất nhiều mác inox được sản xuất ra và cũng không có khái niệm là "inox 100%". Tại thị trường Việt Nam, các hoạt động SX KD chủ yếu là những mác inox: 304, 304L, 430, 410, 201, 316, 316L...

Thông thường, những sản phẩm dùng trong thiết bị nhà bếp, đồ gia dụng chủ yếu được sản xuất từ mác inox 430 và 201. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm không phải làm từ inox, nhái inox, chất liệu thường là sắt và được xi mạ một lớp crom bên ngoài rất khó phát hiện. Những sản phẩm này sử dụng một thời gian ngắn sẽ bị bong tróc lớp xi mạ bên ngoài và sẽ có hiện tượng gỉ sét do bị oxy hóa, thôi nhiễm sang các sản phẩm trong quá trình sử dụng.

<br>
Cần đảm bảo an toàn thực phẩm khi gói giò cho ngày tết. Ảnh minh họa

TS. Phạm Đức Thắng, - Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trên thị trường hiện nay có nhiều loại inox giả. Chất liệu chính của các sản phẩm này có thể là thép hoặc tôn sắt, mạ ngoài bằng một lớp đồng, niken và crom mỏng.

“Có thể phân biệt inox "xịn" và inox mạ bằng độ sáng bóng của vật liệu. Inox mạ thường có độ bóng sáng loáng trong khi inox "xịn" có màu sáng nhờ nhợ. Người tiêu dùng có thể thử bằng cách sử dụng nam châm. Tùy vào thành phần inox mà các sản phẩm inox "xịn" hoặc là không hút từ hoặc nếu có chỉ hút nam châm nhẹ, khi kéo ra lực ở tay sẽ rất nhẹ nhàng. Còn inox mạ sẽ có độ hút mạnh, thậm chí chỉ đưa đến gần đã nghe tiếng "tạch" vì nam châm bị hút vào kim loại. Khi lấy nam châm ra sẽ thấy lực hút ở tay rất mạnh. Những người có kỹ thuật cũng có thể sử dụng axit nóng khoảng 70o để kiểm tra chất lượng inox. Nếu là inox mạ crôm sẽ đen sì, trong khi inox tốt vẫn giữ nguyên màu sắc”, TS. Thắng cho biết.

TS Đoàn Đình Phương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu cho biết, về cơ bản thành phần inox thường có 18% crom, 8% niken, còn lại là sắt và các thành phần khác. Vì giá thành niken rất đắt nên trong một số trường hợp, người ta có thể thay niken bằng mangan, tuy nhiên sự thay thế này làm cho khả năng chịu ăn mòn của vật liệu rất thấp. Một loại thép không gỉ khác có thành phần 12% crom cũng có tính chất sáng bóng nhưng không được gọi là inox vì có tính hút từ.

“Để phân biệt inox có chất lượng tốt hay không chỉ có cách duy nhất là sử dụng máy móc để phân tích thành phần, chứ không thể phụ thuộc vào các phép thử axit, thử độ hút từ như phân biệt vật liệu mạ inox. Inox kém chất lượng cũng nhanh bị xỉn màu, xám ố hoặc thậm chí bị nổ bề mặt”, TS. Phương nói

Hồng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang