Mánh khóe đoạt tiền của Công 'mô tô'

author 17:51 16/09/2013

Hôm qua, thêm nhiều bạn đọc phản ánh tới PV về cách kinh doanh của Công “mô tô” khiến họ “sập bẫy”, mất tiền mua xe mà không thể đăng ký hợp pháp…

Kiện ra tòa cũng chịu thua

Đúng hẹn, trưa 15.9, PV Thanh Niên có mặt ở địa điểm họp mặt cuối tuần của Hội Mô tô Ducati Club tại một quán cà phê (Q.1) để gặp ông T.Đ.T (41 tuổi, giám đốc một công ty TNHH MTV ở Q.2) trao đổi xung quanh vụ kiện tụng của ông với Huỳnh Văn Xuân (tức Công “mô tô”, 43 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH DV - TM Thành Công Sài Gòn, trụ sở chính ở đường 3/2, P.2, Q.11). Khi nghe PV hỏi về Công “mô tô”, hàng chục người chơi mô tô phân khối lớn ở đây đều lắc đầu chê kiểu kinh doanh không uy tín của Xuân. Trong đó, vụ mua bán 2 chiếc mô tô phân khối lớn trị giá hàng chục ngàn USD với ông T.Đ.T là điển hình.

 
 

Chiếm đoạt tiền còn dọa đánh, chém khách hàng

Bạn đọc N.T.T (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) tỏ thái độ bức xúc: Cuối năm 2009, anh đến mua chiếc mô tô trị giá 5.000 USD nhưng đến ngày hẹn, Xuân vẫn không giao giấy tờ xe. Đến tháng 5.2010, làm căng quá, Xuân mới đồng ý đổi chiếc mô tô khác cho anh T. nhưng sau đó cũng không giao hồ sơ gốc khiến anh T. chẳng mua bán được.

Trong những lần đến đòi giấy tờ, nhiều nạn nhân bị Xuân dùng lời lẽ khiếm nhã chửi bới, thậm chí đe dọa đánh, chém họ. Một số nạn nhân đã kịp ghi âm lại, chụp hình bảo vệ của Xuân hành hung họ, đồng thời có lời cảnh báo về việc mua bán mô tô không đàng hoàng của Xuân đưa lên mạng internet cho người khác cảnh giác... Ngoài ra, nhiều nạn nhân khác cũng từng tố bị Xuân “xù” cả trăm ngàn USD như trường hợp của ông L.V.M (tổng giám đốc của một công ty cổ phần ở Q.6); chị Ng. (vợ ông S. có mua bán xe với ông Xuân); anh N.K.T (Việt kiều, là bạn thân của ông Xuân)...

 

Theo ông T. trình bày, khoảng tháng 4.2010, ông T. đã đặt mua chiếc mô tô Honda VTX 1300C, đời 2009 với giá 21.000 USD và đặt cọc trước cho Xuân 6.000 USD. 10 ngày sau, Xuân gọi ông T. nói không thể nhập được chiếc Honda VTX 1300C vì hết hàng và gạ bán chiếc mô tô Honda VFR 1200F, đời 2010 với giá 36.000 USD - được nhập từ Nhật Bản và đang trên đường về TP.HCM. Ông T. đồng ý và đưa thêm 6.000 USD (tổng số tiền đặt cọc là 12.000 USD). Đợt này Xuân đã nhập về 4 chiếc mô tô đời mới, trong đó có chiếc ông T. mua. Tháng 7.2010, Xuân gọi báo ông T. xe đã về đến cảng Cát Lái (Q.2) nhưng kẹt không có tiền đóng thuế nên đề nghị ông T. đưa hết số tiền còn lại (24.000 USD) và hẹn tuần sau giao giấy tờ xe. Hôm sau, Xuân lại gọi điện thoại mượn ông T. 280 triệu đồng vì “tiền đóng thuế vẫn còn thiếu, không thể đưa mô tô ra khỏi cảng được”. Để làm tin, Xuân viết giấy xác nhận thế chấp chiếc xe Yamaha MT03 - 660cc, nếu trong vòng 21 ngày không trả tiền thì chiếc xe này thuộc về ông T.

Đến 23 giờ ngày 10.7.2010, Xuân đưa 4 chiếc mô tô trên về đến cửa hàng. “Lúc này tôi nghe mấy người bạn nói ông Xuân nợ tiền nhiều người, nếu không đến lấy xe sẽ bị người khác xiết mất. Ngay trong đêm 10.7, tôi thuê xe tải đến chở 2 chiếc mô tô (Honda VFR 1200F, Yamaha MT03 -

660 cc) của tôi về. Sau đó, ông Xuân đã không thể nào làm giấy tờ xe cho tôi được vì ông ta mới nộp khoản bảo đảm 100 triệu đồng để thông quan 4 chiếc xe nói trên, còn nợ thuế hàng trăm triệu đồng nữa”, ông T. bức xúc.

Ông T. cho biết đã hàng chục lần đến đòi nợ và yêu cầu làm giấy tờ nhưng Xuân đều né tránh. “Ông ta còn chỉ đạo bảo vệ ngăn cản không cho bất kỳ chủ nợ nào vào công ty gặp mặc dù ông ta đang ở công ty. Ngay cầu thang lúc nào cũng có con chó bẹc giê dữ tợn “canh gác” với mục đích “cản đường” chủ nợ lên gặp Xuân đòi tiền”, ông T. kể.

Vụ việc sau đó được ông T. kiện ra tòa, nhưng Xuân tìm mọi cách kéo dài thời gian như vắng mặt không đến tham dự tòa; đổi địa chỉ công ty làm hồ sơ kiện tụng chuyển từ quận này sang quận khác mất khá nhiều thời gian… Cuối năm 2012, quá mệt mỏi, ông T. chấp nhận thỏa thuận đồng ý bỏ ra 250 triệu đồng để đóng thuế; còn Xuân chịu 50 triệu đồng nhưng Xuân cũng không chịu… Đầu năm 2013, ông T. phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng đóng tiền thuế thay cho công ty của Xuân mới làm được giấy tờ xe. 

Chết vẫn chưa làm được giấy tờ xe

Đáng chú ý, trong lô xe 4 chiếc mô tô được Công ty TNHH DV-TM Thành Công Sài Gòn nhập về nói trên, Xuân đã bán chiếc Honda VFR 1200F cho một người tên P. với giá 42.000 USD. Thời điểm đó, giá thị trường chỉ khoảng 36.000 USD nhưng ông P. buộc phải mua với giá cao để cấn nợ Xuân. Sau đó, chiếc xe này được bán lại cho ông M. (chủ cửa hàng mua bán mô tô ở Q.6). Cũng như ông T., ông M. đã nhiều lần đến gặp Xuân yêu cầu làm giấy tờ nhưng Xuân tránh né. Mới đây, ông M. đã qua đời trong khi đó chiếc xe này vẫn chưa làm được giấy “khai sinh”.

“Còn một chiếc Yamaha MT03 - 660 cc trong lô hàng mà Xuân nhập về nói trên đang được lưu hành trên thị trường nhưng vẫn chưa làm được giấy tờ. Nó được mua bán bằng giấy tay qua lại như xe “Miên” bởi vì Công ty TNHH DV - TM Thành Công Sài Gòn - đơn vị nhập chiếc xe này về, vẫn chưa đóng thuế”, một người chơi mô tô tiết lộ.

Theo TN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang