Mánh khóe gian thương buôn gia cầm lậu

author 06:43 19/07/2013

Để làm rõ hành vi làm thực phẩm bẩn, các trinh sát không chỉ “nằm vùng” cả tháng trời mà còn phải đóng rất nhiều vai để thâm nhập. Có thế, họ mới tường tận được công nghệ kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn của gian thương.

“Cuộc chiến” chống gà thải loại nhập lậu bùng nổ cuối năm 2012 đã tạo nên những cơn “địa chấn” trong toàn xã hội. Chỉ là con gà thôi nhưng có thể gây ra nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, “bóp chết” ngành chăn nuôi. Thế nên, Chính phủ có hẳn Đề án 2088 về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Cảnh sát môi trường) là lực lượng có đóng góp không nhỏ trong việc đẩy gia cầm nhập lậu ra khỏi bàn ăn của mỗi gia đình.

Chứng minh ngược

Đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường có cách nói chuyện rất cởi mở. Chỉ riêng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thôi, anh đã nói rất say mê. Mà không chỉ nói, anh còn cho tôi xem “bằng chứng” là những tấm ảnh rất sinh động. Nào là đặc sản gan ngỗng ngoại nhập cứng như mo nang, nào là trứng cá hồi trơ như... đá. Những loại thực phẩm cao cấp nhưng chất lượng thì thấp cấp này nếu xuất hiện trên bàn ăn của khách sạn, nhà hàng sẽ có giá cả triệu bạc một đĩa. Thức ăn cao cấp đã vậy, thực phẩm bình dân cũng đủ thứ chuyện phải nói. Nào là ô mai, xí muội sản xuất bằng công nghệ... siêu bẩn. Nào là cafe chủ yếu làm bằng ngũ cốc và hương liệu độc hại...

Để làm rõ hành vi làm thực phẩm bẩn, các trinh sát không chỉ “nằm vùng” cả tháng trời mà còn phải đóng rất nhiều vai để thâm nhập. Có thế, họ mới tường tận được công nghệ kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn của gian thương. Thế còn đối với việc đấu tranh chống gà thải loại nhập lậu thì sao? Khi tôi hỏi đến vấn đề này, đồng chí Bình lập tức rút ra một bộ hồ sơ dày cộp...

Vụ bắt quả tang vận chuyển 6.000 con gia cầm giống tại thành phố Bắc Giang ngày 2/7 là minh chứng, chứng minh gia cầm vẫn nhập lậu qua biên giới chứ không như ai đó “lạc quan” cho rằng, vấn nạn này đã được ngăn chặn. Tại sao, các anh phải chứng minh điều này?

Ngày 27/12/2012, Chính phủ ra Đề án 2088 về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, địa phương đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Các cửa ngõ biên giới ở các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh... được tăng cường tối đa quân số để ngăn chặn gia cầm vượt biên vào nội địa. Các tỉnh, thành khác thì tăng cường kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các vụ trung chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian thực hiện, tình hình buôn lậu gia cầm giảm rõ rệt.

Một vụ vận chuyển gà lậu bằng xe ôtô.

Riêng lực lượng Cảnh sát môi trường, sau 6 tháng thực hiện Đề án 2088 đã xác lập, đấu tranh 2 chuyên án; bắt giữ và phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý 500 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu... Thế nhưng, những con số trên chưa làm các anh hài lòng. Bởi, nguy cơ về dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đặc biệt là làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khiến các anh tiếp tục lập án, bắt quả tang vận chuyển gia cầm nhập lậu. Từ vụ việc này sẽ giúp ngành chức năng, đặc biệt là các địa phương tiếp tục kiên trì với “cuộc chiến” chống gia cầm nhập lậu.

Không chỉ là đầu mối nắm thông tin, tham mưu cho Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, các chiến sỹ Cảnh sát ở Cục Cảnh sát môi trường đã trực tiếp thực hiện một số chuyên án điểm làm rõ phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu. Đồng thời, chỉ ra những kẽ hở trong các văn bản pháp luật, trong quản lý Nhà nước, giúp cơ quan chức năng kịp thời có văn bản điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Chuyên án “gà Sơn La” là một ví dụ.

Thành công sau chuyên án “gà Sơn La”

Sơn La không phải là địa bàn nóng về buôn bán gia cầm thải loại nhập lậu. Thế nhưng, trong khi các ngành chức năng đang trong cao trào “đánh” gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, Cục Cảnh sát môi trường đã bắt giữ vụ vận chuyển 2.335 con gà thải loại Trung Quốc nhập lậu tại thành phố Sơn La. Vụ án cho thấy đường đi cũng như sự bành trướng của gà thải loại nhập lậu.

Chuyên án “gà Sơn La” được xác lập trong bối cảnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 – 100 tấn gà Trung Quốc nhập lậu vào nội địa tiêu thụ. Giá gà thải loại tại khu vực biên giới 15.000đ/kg nhưng khi đưa về chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), có giá 65.000 đ/kg. Sự chênh lệch về giá này cho thấy, mặt hàng này đem lại siêu lợi nhuận. Các lực lượng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Thú y... đã tổ chức nhiều đợt truy quét, bắt giữ nhiều vụ vi phạm số lượng lớn... Trước sự ra quân rầm rộ của lực lượng chức năng, các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động để che giấu sự kiểm soát... Chúng chuyển hướng vận chuyển trên các tuyến quốc lộ 1A, 18 từ Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội và các tỉnh lân cận sang hướng Lào Cai, Sơn La theo quốc lộ 6 về Hà Nội.

Để “đánh” chuyên án “gà Sơn La”, sau một thời gian nắm tình hình, các trinh sát đã phát hiện vợ chồng Sinh, Nụ trú tại bản Loọng Bon, phường Chiềng An, thành phố Sơn La thường xuyên có hoạt động buôn bán gia cầm, trong đó có gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc. Các đối tượng thường sử dụng xe ôtô chở thùng tôn quây kín, trên phủ lưới nhựa màu đen để vận chuyển gia cầm lậu. Sau khi tập kết, chúng xé lẻ vận chuyển bằng các loại xe tải nhỏ hơn về các địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội tiêu thụ...

Sau một thời gian nắm tình hình, phương án bắt giữ được triển khai. 3 tổ công tác phục kích trên truyến quốc lộ 6 từ Thuận Châu về thành phố Sơn La. 2h20 phút ngày 29/12/2012, xe ôtô BKS 26C-00757 chở hơn 2.000 con gà thải loại nhập lậu bị bắt giữ. Lái xe Nguyễn Tài Kiên khai, chủ hàng là Nguyễn Tài Sinh. Lái xe Nguyễn Tài Kiên xuất trình 1 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ngoài tỉnh do Trạm Thú y TP Sơn La, thuộc Chi cục Thú y Sơn La cấp cho chủ hàng là ông Nguyễn Tài Sinh, loại động vật là gà thịt, số lượng 2.000 con, mục đích sử dụng làm thực phẩm, nơi xuất phát: thành phố Sơn La, nơi cuối cùng: Thủy điện Lai Châu.

Xác minh giấy chứng nhận kiểm dịch này, cơ quan Công an đã làm rõ sự bất hợp lý, chỉ ra những sai phạm trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch của chủ hàng, quá trình kiểm dịch của người có thẩm quyền. Cục Cảnh sát môi trường ngay sau đó đã có Công văn gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chấn chỉnh công tác kiểm dịch; UBND tỉnh Sơn La đề nghị xử lý vi phạm trong quá trình kiểm dịch của cá nhân ông Hà Văn Tiêm, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Sơn La; Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành TW về Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 25/1/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn gửi UBND tỉnh Sơn La truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phối hợp Cục Cảnh sát môi trường giải quyết triệt để vụ việc trên theo quy định của pháp luật. Cục Thú y thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và kiến nghị của Cục Cảnh sát môi trường đã thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch mà ông Hà Văn Tiêm cấp cho ông Nguyễn Tài Sinh. Kết quả, ông Tiêm không thực hiện đúng quy trình kiểm dịch động vật. Cục Thú y kiến nghị đình chỉ công tác của ông này, thu hồi thẻ kiểm dịch động vật. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo Chi cục Thú y các tỉnh, thành trong cả nước chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định về kiểm dịch; giấy chứng nhận kiểm dịch phải ghi cụ thể đặc điểm, chủng loại gà, màu lông... để các đối tượng lợi dụng, hợp pháp gà không rõ nguồn gốc.

Nỗ lực của các anh đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn gà thải loại nhập lậu vào nội địa, đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh... theo mục tiêu mà Đề án 2088 của Chính phủ đề ra.

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang