Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Đôi khi 'con số chỉ là con số'!

author 07:10 18/12/2019

(VietQ.vn) - Việc cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh được xem là “bệ phóng” trong việc tạo điều kiện thuận lợi giúp phát triển doanh nghiệp (DN).

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cắt giảm đáng kể thủ tục “rườm rà”

Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh 2019 của Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) công bố, năm 2018 chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng 13 bậc, xếp thứ 69/190 nền kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Điều này dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của Việt Nam đang được cải thiện.

Cải cách TTHC trong hoạt động hải quan là một trong những cam kết của Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tài chính 

Điển hình, năm 2017, ngành Hải quan cắt giảm về thời gian thông quan trực tiếp tại các cửa khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ) đối với hàng xuất khẩu, giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ) đối với hàng nhập khẩu; chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm được 19 USD. Như vậy, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).

Từ năm 2018 đến nay tiếp tục cắt giảm được 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% so với mục tiêu); cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thực hiện xuất nhập khẩu, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.

Làn sóng khởi nghiệp được hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2016, Việt Nam có 110.000 DN thành lập mới, năm 2017 có 127.000 DN và năm 2018 có hơn 131.000 DN được thành lập. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các DN đã bổ sung cho nền kinh tế 3,9 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, một khảo sát từ cộng đồng DN được công bố mới đây bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, tình trạng tham nhũng vặt đã giảm đáng kể, các TTHC kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm tối thiểu 50%. Cộng đồng DN trong nước cũng bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh trong thời gian tới...

Cần cải cách thủ tục hành chính “nét” hơn

Mặc dù việc cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” đòi hỏi cần phải cải cách mạnh mẽ và "nét" hơn.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, vẫn còn tình trạng cắt giảm giấy phép kinh doanh mang tính chất đối phó và chưa thực chất.

"Vẫn có hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật và khổ nạn cấp phép, xin cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Thủ tục và chi phí kiểm tra chuyên ngành cho xuất nhập khẩu mà người ta thường gọi nôm na là “thủ tục chào hỏi, qua biên giới, các thủ tục ở tuyến đầu của hội nhập, ở nước ta vẫn gấp 2-3 lần so với các nước ASEAN 4 là điều không thể chấp nhận… Mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng, khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi "con số chỉ là con số", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Đứng dưới góc độ DN, lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng An Toàn Phát, cho biết: Tại một số sở, ngành vẫn còn tình trạng công chức gây khó dễ cho DN khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, hồ sơ của DN gửi đến thường bị chậm, quá hạn giải quyết sau đó chính công chức sở này lại đề nghị DN phải làm lại tờ trình… Đáng chú ý, “nếu không làm theo thì người ta gây khó dễ mà làm thì hết lần này đến lần khác lại phải làm lại hồ sơ” - bà Hoan cho hay.

Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) cho rằng, năng suất lao động quan trọng đối với cả ba đối tượng là DN, người lao động và Nhà nước. Năng suất lao động cao thì DN mới có thể thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; người lao động được cải thiện đời sống; đồng thời, năng suất cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tác động trực tiếp đến GDP. Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo DN, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động.

Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, phức tạp(VietQ.vn) - Tổ công tác của Thủ tướng nhận định, hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, chưa thực sự cải cách trong khâu thực thi, nhiều quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, phức tạp.

THANH MINH

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang