Top 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

authorĐỗ Thu Thoan 06:15 03/05/2017

(VietQ.vn) - Hiện nay, Trung Quốc là 1 trong 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam, đặc biệt số dự án góp mua và chờ mua doanh nghiệp Việt khi lên sàn của đối tác này đang tăng rất mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Dân trí cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 20/4, Trung Quốc tiếp tục là 1 trong 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hết tháng 4/2017 lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các DN, nhà đầu tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.

Đáng nói, mức tăng mạnh đến từ số vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của DN Việt từ các đối tác Trung Quốc. Cụ thể, trong 4 tháng đầu 2016, số vốn nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần DN là 21 dự án thì nay lên hơn 256 dự án.

Hiện, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 4,05 tỷ USD, chiếm 38,25% tổng vốn; tiếp đến là Nhật Bản với 1,85 tỷ USD, chiếm 17,54%; thứ 3 là Singapore với 1,1 tỷ USD và Trung Quốc đứng thứ 4 với hơn 900 triệu USD.

manh-tay-chi-tien-trung-quoc-dan-thau-tom-doanh-nghiep-viet

Trung Quốc chi một lượng tiền lớn mua doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo 1 báo cáo về đầu tư nước ngoài của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - VEPR), Dân trí thông tin, xu hướng nhà đầu tư ngoại mua DN Việt ngày càng lớn, đặc biệt có các nhân tố mới đến từ ASEAN, Trung Quốc. VEPR khẳng định: Các DN ngoại đang tranh thủ thời cơ thị trường, quá trình cổ phần hóa để thâu tóm DN, lĩnh vực... Tiến trình M&A của DN có thương hiệu ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, nguy cơ thâu tóm và xóa sổ thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam đang rất lớn.

Với vốn của Trung Quốc, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Trung Quốc đang trong quá trình cải cách nền kinh tế chuyển từ mô hình kinh tế thâm dụng lao động, vốn và tài nguyên sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao. Để đạt được điều này, họ từng bước chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc ủng hộ DN đem tiền, máy móc cũ đi đầu tư thông qua cơ chế vay vốn của một số ngân hàng hoặc thông qua cơ chế vốn ODA.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang