Mập mờ rượu dân tộc

author 09:45 08/01/2013

rời rét cũng đồng nghĩa với việc nhiều quán nhậu trên địa bàn TP Hà Nội được dịp “hút” khách. Và sẽ không có gì đáng bàn nếu số rượu - chủ yếu là rượu quê - ngâm, “rượu dân tộc” trong số không ít quán nhậu không mập mờ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

 Quán “rượu dân tộc”… hút khách

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội luôn dưới 10 độ C. Trời rét nên nhiều bợm nhậu đã coi việc lui tới các quán nhậu uống rượu là cách để làm tăng độ ấm cho cơ thể. Dạo quanh một số tuyến phố như: Hàng Cót, Yên Phụ, Phó Đức Chính, Phùng Hưng… vào các buổi tối, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thực khách tấp nập ra vào các quán nhậu “rượu dân tộc”. Việc các quán nhậu hút khách cũng đặt ra vấn đề đáng quan tâm liên quan đến số “rượu dân tộc” mập mờ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan ở những điểm này.
 
Ghé vào quán nhậu N.L nằm ở tuyến phố Hàng Cót vào một tối cuối tuần, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các bàn nhậu trên tầng 2, tầng 3 của quán đông kín khách. Trên bàn la liệt các chai rượu có màu nâu vàng nhờ nhợ.
Các loại rượu dân tộc bày bán trên thị trường
Các loại rượu dân tộc bày bán trên thị trường
 
Gọi cho mình một chai rượu như vậy, chúng tôi được cô nhân viên phục vụ xưng tên Huyền ở đây cho biết, rượu này là “rượu dân tộc” có tên: “Ngọc dương tửu”. Giá của nó là 80 ngàn đồng/chai-300ml. Nhìn chai rượu không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ cũng như thứ mùi hăng hắc vẩn quanh, chúng tôi cảm thấy ái ngại vì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm đi kèm. Mặc cho loại rượu “Ngọc dương tửu” này mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, thực khách ăn nhậu tại quán vào thời điểm hiện tại vẫn thỏa sức uống mà không mấy quan tâm tới sự an toàn.
 
Tại quán rượu M.L nằm cuối phố Hàng Bún (quận Ba Đình - Hà Nội) cũng vậy. Vào những ngày này, quán thường xuyên kín chỗ. Để phục vụ nhu cầu “thưởng thức” rượu quê, “rượu dân tộc” ở đây, cô chủ nhà hàng này đã cho nhập hàng loạt loại rượu có tên: rượu táo mèo, rượu sâm, rượu nếp, rượu cây mật gấu v.v… Toàn bộ số rượu này đều được chắt vào các chai sứ không nhãn mác. Thực khách chỉ biết tên rượu khi chủ quán đem rượu ra và giới thiệu tên gọi, công hiệu của nó.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến số quán “rượu dân tộc” mọc lên như nấm cũng như hút nhiều thực khách lui tới thời gian qua, nhất là vào thời điểm Hà Nội đang “hứng” trọn đợt rét đậm, rét hại đến vậy, không gì khác chính bởi không ít dân nhậu đang có xu hướng “bài” rượu đóng chai vì sợ bị làm giả và tìm đến… rượu quê, “rượu dân tộc” cho đảm bảo (!).
 
Cẩn trọng để tránh chuốc họa vào thân
 
Không chỉ rượu quê, rượu ngâm mập mờ về nguồn gốc, chất lượng sử dụng, gần đây trên địa bàn Hà Nội cũng đã xuất hiện trào lưu “sính” rượu ngâm rễ, lá, quả cây thuốc phiện. Đây là vấn đề đáng lo ngại của không riêng ai. Nói vậy cũng bởi, ngày 25/12/2012 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 6, 7 và Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) qua kiểm tra đã phát hiện khoảng 12.000 lít rượu ngâm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm tại cửa hàng kinh doanh Thúy Gấu ở 119 Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trong đó, một số mẫu rượu qua xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với ma túy.
 
Thời điểm trên, có mặt tại cửa hàng kinh doanh đá quý kiêm kinh doanh rượu ngâm, “rượu dân tộc” này, chúng tôi bắt gặp hàng chục chai thủy tinh loại 4-6 lít đã đong đầy rượu ngâm sản phẩm thực vật (củ sen, sâm…), cây thuốc phiện đang được cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Từ Liêm, Đội QLTT số 7 kiểm đếm đưa nốt về trụ sở cơ quan chức năng. Đáng lưu ý, số rượu này ngoài ký hiệu loại rượu ra không hề có nội dung liên quan đến đăng ký chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Vụ việc trên thêm một lần nữa cho thấy, việc rượu quê, “rượu dân tộc” mà đặc biệt là rượu thuốc phiện mập mờ về chất lượng, nguồn gốc luôn rình rập sức khỏe người tiêu dùng.
 
Đúng như lời chia sẻ của Đại úy Đoàn Văn Đông - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội) về những tác hại khôn lường của các loại rượu ngâm, “rượu dân tộc” mập mờ chất lượng nói chung và rượu ngâm rễ, lá, quả cây thuốc phiện nói riêng, mới đây, chị H.P., 22 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội đã phải đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Nguyên nhân do trước đó, vì buồn bã, chị P. có uống nhiều rượu và không biết loại rượu này có ngâm cây thuốc phiện nên bị vật vã, ngộ độc rượu.
 
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những năm qua, Trung tâm tiếp nhận không ít ca ngộ độc rượu. Bình quân mỗi năm cũng có tới hàng chục ca ngộ độc nhập viện. Trong số những ca ngộ độc này, có nhiều ca ngộ độc do lạm dụng rượu quê, rượu ngâm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi vậy, để tránh chuốc họa vào thân, hơn lúc nào hết người dân cần cẩn trọng trước những loại rượu quê, rượu ngâm động - thực vật mập mờ về chất lượng VSATTP như hiện nay.
 
Theo CAND
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang