Mất 4 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng SCB: Khách hàng có thể kiện ra tòa

authorVũ Sơn 06:34 08/09/2016

(VietQ.vn) - Liên quan đến tài khoản ngân hàng SCB của Bà Nguyễn Thị Thanh Phúc báo mất 4 tỷ đồng, luật sư cho biết có thể khởi kiện ra tòa án dân sự.

Liên quan đến việc tranh cãi giữa các bên về việc bà Nguyễn Thị Thanh Phúc gửi tiền tại SCB bị "bốc hơi" 4 tỷ đồng mà chưa có hồi kết, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cho biết: Theo các thông tin mà tôi được biết, thì khi nam thanh niên đến thực hiện việc rút tiền có xuất trình được giấy ủy nhiệm chi có chữ ký của bà Phúc. Ngoài ra, ngân hàng không có thêm bất kỳ tài liệu nào khác.

Với thông tin như vậy, tôi khẳng định là ngân hàng đã làm sai quy trình và quy định của Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thì trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.

Để ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu).

Như vậy, để có thể chứng minh việc nam thanh niên đến rút tiền là hợp lệ, Ngân hàng SCB phải cung cấp bổ sung được các tài liệu, giấy tờ như: văn bản ủy quyền của chủ tài khoản cho nam thanh niên, mẫu chữ ký đã đăng ký của nam thanh niên và bản sao chứng minh nhân dân của nam thanh niên đó.

Trên thực tế, bản thân tôi tham gia rất nhiều các giao dịch tại ngân hàng, các ngân hàng đều bắt buộc phải xuất trình chứng minh nhân dân, chữ ký phải khớp với mẫu chữ ký đã đăng ký và việc ủy quyền cho người khác đến giao dịch tại ngân hàng đều phải đăng ký trước và scan mẫu chữ ký của người được ủy quyền để nhập vào máy tính trước khi người đó được phép thực hiện giao dịch.

Tôi cho rằng, dư luận hoàn toàn có quyền và có cơ sở nghi ngờ tính minh bạch và sự can dự của nhân viên ngân hàng SCB trong việc này. Khó có thể cán bộ ngân hàng này lại có thể dễ dãi đến vậy khi cho nam thanh niên rút 4 tỷ chỉ với một tờ giấy ủy nhiệm chi."

LS Hà Huy Phong

Trước đó, tài khoản của bà Phúc được mở tại chi nhánh Ngân hàng SCB Nguyễn Khuyến với tổng số tiền là hơn 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào ngày 19/11/2015, bà Phúc ra ngân hàng SCB rút tiền để mua nhà thì nhân viên ngân hàng cho biết số tiền 4 tỷ đồng của bà đã được chuyển sang số tài khoản khác mang tên Lê Thu Hà từ ngày 5/10/2015.

Số tiền này được chuyển vào tài khoản của Ngân hàng Thịnh Vượng Việt Nam VPBank chi nhánh Đông Đô. Chi nhánh thực hiện giao dịch chuyển tiền này là SCB địa chỉ 529 Kim Ngưu.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết có nhận được đơn thư của bà Phúc gửi tới ngân hàng. Ông Văn thừa nhận trong quá trình tác nghiệp nhân viên ngân hàng có sai sót khi không có giấy ủy quyền của chủ tài khoản mà vẫn thực hiện giao dịch. Nhưng theo ông Văn, về bản chất là giao dịch thực hiện theo yêu cầu của bà Phúc, cụ thể là ủy nhiệm chi có chữ ký, xác nhận qua điện thoại, chứ không có chuyện bỗng dưng mất tiền tại ngân hàng.

Đại diện ngân hàng SCB khẳng định hiện nay ngân hàng vẫn còn lưu lại ủy nhiệm chi, đoạn hội thoại xác nhận với bà Phúc và SMS banking sau khi thực hiện giao dịch. Lãnh đạo ngân hàng SCB cũng thừa nhận là có sai sót của nhân viên ngân hàng khi vì nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy uỷ quyền. Theo đó, đại diện ngân hàng SCB đang muốn tìm sự đồng cảm của dư luận khi ngân hàng nào cũng muốn "chiều" để "giữ" khách VIP.

Chi nhánh thực hiện giao dịch chuyển tiền của Bà Phúc tại địa chỉ 529 Kim Ngưu. Ảnh Vũ Sơn 

Lãnh đạo ngân hàng SCB cũng hứa là sau đợt nghỉ lễ 2/9, ngân hàng sẽ bố trí cuộc họp ba bên (ngân hàng, bà Phúc và cơ quan điều tra) để làm rõ bản chất sự việc. Theo lãnh đạo ngân hàng SCB, nếu cơ quan điều tra nói chữ kí trên ủy nhiệm chi là sai, không phải của bà Phúc thì ngay lập tức trong ngày, ngân hàng sẽ trả bà Phúc 4 tỷ và số lãi phát sinh.

Trao đổi thêm với Luật sư Phạm Đăng Cao về vụ việc giữa 2 bên, luật sư cao cho biết: “Đây là giao dịch dân sự giữa người gửi tiền và Ngân hàng. Do vậy, nếu không tìm được tiếng nói chung thì người gửi tiền hoàn toàn có thể làm đơn ra tòa dân sự để thụ lý, giải quyết”.

Trao đổi với phóng viên VietQ, bà Phúc cho biết rất mệt mỏi với vụ việc đã kéo dài gần được một năm, tinh thần xuống dốc không làm được việc gì. Bản thân khoản tiền đó là của bố mẹ chồng cho vợ chồng bà để mua nhà ở. Đến khi ra rút tiền để mua nhà thì khoản tiền đã bốc hơi. Hiện tại cũng không biết phải làm sao nữa.

Vậy là đã hơn một năm trôi qua, quyền lợi của khách hàng gửi tiền mà cụ thể là khoản tiền gửi 4 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Thanh Phúc tại ngân hàng SCB vẫn chưa có hướng giải quyết, chưa có kết luận cuối cùng. Càng kéo dài vụ việc này bao nhiêu thì niềm tin của khách hàng vào ngân hàng SCB càng sứt mẻ bấy nhiêu và người chịu thiệt hại đầu tiên cũng chính là ngân hàng SCB.

                                                                                                                                                                            Vũ Sơn - Ninh Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang